Nếu là fan trung thành của bóng đá, không thể không biết đến sân vận động Old Trafford. “Nhà hát của những giấc mơ” này là nơi chứng kiến quá trình hình thành và phát triển của một trong những đội bóng nổi tiếng nhất hành tinh Manchester United. Sân vận động Old Trafford là nơi mà các bất kỳ fan hâm mộ nào của đội bóng MU cũng mong muốn được đặt chân đến một lần trong đời. Dù không phải fan của MU nhưng mình đã có cơ hội được đến sân nhà của Manchester United. Blog sau đây mình sẽ chia sẻ Kinh nghiệm tham quan sân old Trafford.
Table of Contents
1. Giới thiệu về Sân Old Trafford
Trước khi chia sẻ kinh nghiệm tham quan Sân vận động Old Trafford, mình sẽ nói qua một số thông tin như: Sân Old Trafford ở đâu? Sức chứa sân Old Trafford là bao nhiêu? Vì sao sân Old Trafford lại được mệnh danh là “Nhà hát của những giấc mơ”
1.1. Sân Old Trafford ở đâu
Sân Old Trafford nằm ở thành phố Manchester, Vương Quốc Anh. Con phố nơi mà sân vận động tọa lạc có tên là Sir Matt Busby Way.
Sir Matt Busby là người có công rất lớn giúp Manchester United trở thành CLB đầu tiên của của nước Anh giành được danh hiệu Vô địch châu Âu năm 1968 (tiền thân của UEFA Champions League ngày nay).
1.2. Sức chứa sân Old Trafford là bao nhiêu?
Với sức chứa lên đến 76,000 người, Old Trafford là sân vận động bóng đá lớn thứ 2 ở Vương Quốc Anh (sau sân Wembley ở London), và thứ 9 ở châu Âu. Để có được sức chứa như hiện nay, sân nhà của Manchester United đã trải qua 2 lần cải tạo và nâng cấp vào các năm 1990 và 2000.
Hiện tại ban lãnh đạo M.U đang nghiên cứu nâng cấp sức chứa sân lên thành 88,000 chỗ ngồi. Do dịch covid nên kế hoạch bị tạm hoãn.
1.3. Vì sao sân Old Trafford lại được mệnh danh là “Nhà hát của những giấc mơ”
Rất nhiều câu lạc bộ bóng đá tại Anh đã chuyển đại bản doanh của họ đến những sân vận động mới có sức chứa lớn hơn. Nhưng MU thì ngược lại họ vẫn chọn gắn bó với Old Trafford. Bởi rời Old Trafford đồng nghĩa rời bỏ giấc mơ, rời bỏ ngôi nhà lịch sử của họ.
Old Trafford được trân trọng gọi với cái tên “Nhà hát của những giấc mơ”. Cái tên này có một ý nghĩa tinh thần to lớn đối với các thế hệ cầu thủ của MU.
Giấc mơ bắt đầu khi các công nhân của công ty đường sắt Lancashire và Yorkshire tập hợp lại với nhau để tạo ra một đội bóng. Trong suốt quãng thời gian đầu thành lập, đội bóng đã bao lần đứng trước nguy cơ bị giải thể, nhưng họ vẫn giữ vững niềm tin và đạt được một số thành tựu nhất định.
Những tưởng vinh quang đã ở rất gần rồi, nhưng MU một lần nữa lại đối mặt với những mất mát quá lớn sau thảm họa Munich năm 1958. Họ gần như đã gục ngã… nhưng không, những con người còn sống sót vẫn cố gắng viết tiếp giấc mơ cho những người đã khuất. Một trong số đó có Sir Bobby Charlton.
Bằng tài năng và ý chí ông đã đưa MU trở lại mạnh mẽ, chứ ko lún sâu vào khủng hoảng. Và chỉ 10 năm sau đó ông đã cùng với đồng đội giúp MU từ một đội bóng thường thường bậc trung ở thời điểm đó giành chức vô địch châu Âu.
Và cũng Bobby Charlton đã là người đã đặt ra biệt danh “Nhà hát của những giấc mơ” cho Old Trafford. Để từ đó những thế hệ tiếp sau phát huy và xây dựng nên một đế chế Manchester United như hiện nay.
Một số fact hay ho về Sân old Trafford
|
2. Bên trong sân Old Trafford có gì
“Đến thăm Old Trafford bạn sẽ có cơ hội chia sẻ với chúng tôi về lịch sử đặc biệt của M.U, bạn sẽ khám phá nơi đây có rất nhiều điều để thưởng thức chứ không chỉ bóng đá… và không giống như các đối thủ của chúng tôi, bạn có thể rời Old Trafford như một người chiến thắng” – Sir Alex Ferguson nói.
Đúng như những gì mà Sir Alex Ferguson nói. Là sân nhà của Manchester United, nên các công trình bên trong sân Old Trafford đều có ý nghĩa đặc biệt và gắn liền với lịch sử phát triển của đội bóng.
2.1. Bức tượng trước sân Old Trafford
Ngay từ lúc đến gần Sân vận động Old Trafford, các bạn sẽ bắt gặp 2 bức tượng nổi tiếng: Bức tượng của Sir Alex Ferguson và Bức tượng United Trinity.
a. Bức tượng Sir Alex Ferguson: Nhằm tôn vinh những cống hiến to lớn mà vị chiến lược gia người Scotland đóng góp cho M.U trong suốt 26 năm, bức tượng của ông đã được dựng lên vào ngày 23 tháng 11 năm 2012.
Bức tượng cao 2m7 được làm bằng đồng, do nhà điêu khắc lừng danh Philip Jackson thực hiện, được đặt gần lối vào khán đài Sir Alex Ferguson Stand (khán đài phía Bắc trước đây).
b. Bức tượng United Trinity: Bức tượng khắc họa 3 tài năng bóng đá bậc nhất ở thập niên 60 của thế kỷ trước là George Best, Denis Law và Sir Bobby Charlton.
Bộ 3 này đã đưa Manchester United lên ngôi vô địch European Cup vào năm 1968 (tiền thân của UEFA Champions League ngày nay).
2.2. Các khán đài tại sân Old Trafford
Thiết kế ban đầu của sân Old Trafford chỉ bao gồm một khán đài ngồi có mái che. Sau quá trình cải tạo và phát triển, hiện nay sân vận động này đã được mở rộng ra bốn khán đài. Mỗi một khán đài lại có trong mình những câu chuyện đặc biệt.
a. Khán đài phía Nam: Là khán đài trung tâm của Old Trafford, với khu vực dành cho ban huấn luyện, phòng kiểm soát an ninh, khu tác nghiệp truyền hình, cũng như các văn phòng quản trị và một vài nhà hàng sang trọng.
b. Khán đài phía Bắc: Trong các khán đài tại sân nhà Manchester United, khán đài phía Bắc là đặc biệt hơn cả vì nó mang tên nhà chiến lược gia người Scotland Sir Alex Ferguson. Viện bảo tàng Manchester United, phòng truyền thống, khu nhà hàng Red Café, và những khán phòng đặc biệt dành cho khách VIP cũng tọa lạc ở đây..
c. Khán đài phía Đông: Khán đài phía Đông hay Stretford End là ngôi nhà tình thần của những fan hâm mộ MU. Ngoài những chỗ ngồi thông thường, khán đài này còn có khu dành riêng cho cổ động viên đội khách nằm ở góc Đông – Nam, và khu dành cho người khuyết tật kế bên. Do trước đây bảng tỷ số được đặt ở đây, tên gọi cũ của khán đài này là Hậu Đài – Bảng Gôn.
d. Khán đài phía Tây: Tức hậu đài Stretford, là nơi tụ hội của các fan cuồng nhiệt nhất. Vì ở tầng trên của hậu đài được tổ chức thành 1 khu chuyên ca hát cổ tạo nên không khí phấn khích cho mỗi trận đấu.
Có một điều rất hay ho là người ta đã từng đo đạc và phát hiện ra rằng tiếng ồn do các fan Stretford tạo ra còn dữ dội hơn cả âm thanh gầm rít phát ra khi một chiếc phi cơ phản lực cất cánh.
2.3. Phòng thay đồ
Đợt mình đi thăm Old Trafford vẫn còn sử dụng phòng thay đồ cũ. Tuy nhiên đến năm 2018, phòng thay đồ của Old Trafford đã được nâng cấp đáng kể.
Băng ghế gỗ và móc treo quần áo thi đấu được thay thế bằng ghế da cùng ngăn kéo riêng cho các dụng cụ của mọi thành viên. Mỗi chỗ ngồi được đặt cùng hướng phù hợp theo màn hình TV, bảng chiến thuật và đồng hồ đếm ngược để các cầu thủ có thể làm làm theo hướng dẫn của huấn luyện viên.
2.4. Phòng truyền thống
Những thành tích trong gần 150 năm hoạt động và phát triển của MU đều được lưu giữ một cách trang trọng bên trong phòng truyền thống của Sân vận động Old Trafford. Các bạn sẽ cảm thấy thực sự choáng ngợp khi vào bên trong Trophy Room… bởi vì có quá nhiều cúp vô địch.
Ngoài những thành tích nổi bật và những kỷ lục vô tiền khoáng hậu, sân vận động Old Trafford còn dành một góc để tri ân những nạn nhân của Thảm họa Munich năm 1958.
3. Kinh nghiệm tham quan sân Old Trafford
3.1. Cách di chuyển đến sân vận động Old Trafford
Thường thì các bạn đi từ Việt Nam hay các nước khác sang, sẽ kết hợp đi du lịch nhiều thành phố tại Vương Quốc Anh. Các bạn có thể bay đến London hoặc Manchester từ Việt Nam, nhưng mình recommend nên bay đến London. Vì dù sao London cũng là thủ đô với nhiều điểm thăm thú.
Để đi từ London hay các thành phố khác ở Vương Quốc Anh đến Manchester, các bạn có thể đi tàu hoặc coach. Từ ga trung tàu trung tâm Manchester (Manchester Piccadilly), có những cách sau để đi đến sân Old Trafford:
a. Bus: Đi bộ ra Manchester City Centre, India House, bắt bus tuyến 263 (giá £2.40) đến trạm Warwick Road, rồi đi bộ thêm 5 phút là đến sân bóng Old Trafford.
b. Tram: Bắt tram Purple Line đến trạm Old Trafford mất 17 phút, giá £1.4 . Rôi đi bộ tầm 5 phút nữa là đến SVĐ.
c. Taxi: Các bạn có thể book xe qua Uber với giá £12 – £15
3.2. Tham quan sân Old Trafford như thế nào?
Thực sự thì cũng khá bất ngờ khi vào học kỳ 2, trường mình tổ chức hoạt động ngoại khóa cho sinh viên đi tham quan sân vận động Old Trafford. Và chuyến đi này được trường tài trợ toàn bộ 100% chi phí.
Còn trong trường hợp đi tự túc, các bạn có thể mua vé thăm quan sân vận động tại quầy vé hoặc mua online trước tại link sau. Tuy nhiên mua vé online trước sẽ rẻ và tiết kiệm thời gian hơn đó.
Đầu tiên bọn mình được tham quan phòng truyền thống và được nghe qua lịch sử của câu lạc bộ. Tiếp đến là vào phòng họp để nghe về các hoạt động marketing của MU được vận hành ra làm sao. Sau đó được qua phòng thay đồ để thăm quan cũng như nghe cách các HLV ra chiến thuật trước mỗi trận đấu.
Cuối cùng sau bao quãng thời gian chờ đợi cũng được đi ra khán đài. Bọn mình được bước ra sân bằng chính con đường các cầu thủ được bước ra mỗi trận đấu nữa. Cảm giác lúc đó thực sự rất phấn khích cảm giác như là đang trong một trận cầu đỉnh cao thực sự.
Và đó cũng là lúc hành trình tham quan sân vận động Old Trafford kết thúc, các bạn sẽ được đưa ra khu vực nhà hàng hoặc Megastore.
3.3. Các lưu ý khác khi tham quan Sân nhà của Manchester United
Bên trong sân Old Trafford có nhà hàng Red Cafe, giá đồ ăn rất đắt và không được phép mang đồ ăn bên ngoài vào. Ở bên ngoài cũng có một số nhà hàng bán mấy món truyền thống của Anh (như fish & chips, pizza). Nhưng mình khuyên là chỉ nên ăn trong tình trạng đói quá không chịu nổi thôi, vì đồ ăn bạn mình nói là dở tệ.
Trước khi ra về, đừng quên mua một số đồ lưu niệm tại sân nhà Manchester United nhé. Nếu đăng ký Official Membership thì sẽ được giảm 10% khi dùng bữa tại Red Cafe/mua đồ tại Megastore và giảm 50% khi mua vé tham quan sân vận động.
3.4. Cách mua vé xem bóng đá
Để mua được vé xem bóng đá tại các bạn sẽ phải đăng ký tài khoản Membership của MU tại trang sau. Tài khoản này có phí từ £20 – £60 / mùa (giá thay đổi theo từng mùa). Các bạn chỉ cần mua tài khoản Lite thôi là được rồi, vì tất cả các loại tài khoản đều chỉ có thể mua 1 vé/trận.
Nhưng các trận cầu quan trọng ở (gặp đội lớn) thì gần như không mua được vé mà phải đăng ký bốc thăm (nếu may mắn sẽ được lựa chọn nhưng tỷ lệ rất thấp). Còn các trận giao hữu với mấy đội yếu thì xem có không đã. Nên để xem được một trận bóng đá cũng tốn công tốn sức.
Mình cũng gợi ý thêm một cách nữa đó mua lại vé của các bạn người Việt đang sống tại UK. Các bạn có thể vào Group Facebook Hội những người “sắp” đi UK hoặc SVUK. Tuy nhiên cũng không phải ai cũng muốn bán lại vé nên số lượng vé cũng không nhiều. Nếu thấy có người bạn tốt nhất các bạn nên mua luôn nhé.
4. Tổng kết: Kinh nghiệm tham quan sân Old Trafford
4.1. Tips du lịch Manchester
– Để đi lại giữa các thành phố ở UK, các bạn có thể đặt vé tàu tại https://www.nationalrail.co.uk/ và đặt vé coach tại https://www.nationalexpress.com/
– Các bạn có thể kết hợp tham quan luôn thành phố Manchester. Nhưng thực sự thì Manchester khá chán so với các thành phố khác ở Vương Quốc Anh, không có nhiều điểm đặc sắc để tham quan.
– Trong trường hợp, nghỉ qua đêm tại Manchester thì không nên book khách sạn gần Sân vận động Old Trafford, vì sân ở ngoại ô thành phố và không tiện đi lại. Nên book phòng gần ga Manchester Piccadilly để tiện di chuyển.
– Thực ra nếu là fan lâu năm của MU có thể đặt khách sạn Hotel Football (có view ra sân nhà Manchester United) thuộc sở hữu của 5 học trò của Sir Alex Ferguson là Ryan Giggs, Paul Scholes, Nicky Butt, Phil Neville vã Gary Neville. Khách sạn có một tụ điểm cho cổ động viên dưới tầng hầm.
4.2. Tổng kết: Kinh nghiệm tham quan sân Old Trafford
Trên đây là bài viết chia sẻ Kinh nghiệm tham quan sân Old Trafford. Nếu cần thêm thông tin liên quan đến du lịch Vương Quốc Anh, các bạn có thể tham khảo các bài viết sau nhé:
Nếu thấy bài viết trên đây có ích, các bạn có thể giúp mình duy trì blog bằng cách nhấn vào link dưới đây nhé:
– TỔNG HỢP WEBSITE CẦN THIẾT KHI ĐI DU LỊCH –
|