Chuẩn bị hành lý là một việc tưởng chừng đơn giản nhưng lại khá quan trọng trước khi đi du lịch đến một vùng đất mới. Bởi vì việc chuẩn bị hành lý phù hợp sẽ khiến chuyến đi của bạn thêm phần trọn vẹn. Blog sau đây Chibikiu sẽ chia sẻ Kinh nghiệm chuẩn bị hành lý đi du lịch.
Table of Contents
1. Tất tần tật về các loại hành lý
Trước khi chia sẻ kinh nghiệm chuẩn bị xếp hành lý du lịch, mình sẽ giới thiệu qua về các loại hành lý.
Về cơ bản có 3 loại hành lý: Hành lý xách tay, Hành lý ký gửi, Hành lý quá khổ. Chi tiết về từng loại mình sẽ nói rõ ở các phần dưới đây.
1.1 Hành lý xách tay
Hành lý xách tay là những kiện hàng, vali có đồ vật bạn được phép mang lên máy bay. Vì được phép mang lên máy bay nên loại hành lý này sẽ có một số giới hạn nhất định về kích thước, cân nặng, cũng như vật dụng được mang theo.
Đặc biệt với các hãng hàng không giá rẻ, quy định về hành lý xách tay rất ngặt nghèo (tất nhiên họ sẽ làm mọi thứ để tăng tối đa lợi nhuận).
Như hãng Ryan Air – 1 hãng hàng không giá rẻ của Anh, quy định hành lý của hãng này thì khỏi phải nói. Chỉ cần sơ sẩy một chút là bạn có thể mất tiền oan.
1.2. Hành lý ký gửi
Hành lý ký gửi là những vật dụng, hàng hóa được hành khách mang theo trong cùng chuyến đi và sẽ được để trong khoang hành lý.
Đối với các hãng không giá rẻ, trong vé sẽ thường không bao gồm hành lý ký gửi. Nếu hành khách có nhu cầu mang theo hành lý ký gửi, sẽ phải mua với hãng (có một số hãng giá rẻ giá hành lý ký gửi còn cao hơn giá vé).
1.3. Hành lý quá khổ
Hành lý quá khổ là hành lý có kích thước vượt quá quy định của các hãng hàng không. Nếu hành khách có nhu cầu vận chuyển các loại hàng hóa này sẽ phải đăng ký với hãng (vì bình thường không phải ai cũng có nhu cầu mang vác các vật dụng quá khổ đi theo cùng làm gì).
Với việc vận chuyển các loại hành lý quá cỡ thì mỗi hãng hàng không sẽ có các mức giá khác nhau. Các bạn nên check giá hoặc thông tin vận chuyển với các hãng hàng không trước khi đặt vé.
2. Quy định hành lý khi đi máy bay
2.1. Quy định chung về hành lý khi đi máy bay
Mỗi hãng hàng không sẽ có quy định về hành lý khác nhau. Các bạn nên kiểm tra quy định trước khi đặt vé để tránh mất tiền oan. Nhất là với hãng hàng không giá rẻ, chỉ cần quá một ít cân là sẽ phải trả giá bằng tiền bạc.
Thông thường với một vé máy bay hạng phổ thông sẽ được mang theo hành lý xách tay và hành lý ký gửi (với các hãng hàng không giá rẻ sẽ mất thêm tiền mua hành lý ký gửi).
Với một số hãng hàng không, sẽ có ưu đãi về hành lý cho sinh viên (tức là nếu bạn có visa sinh viên mà mua vé, sẽ được mang theo nhiều hành lý hơn).
Ví dụ: Đợt đi du học Anh, mình mua vé bên Vietnam Airlines và với visa sinh viên hãng cho phép mang đến 45kg hành lý.
2.2. Quy định về hành lý xách tay
Tổng trọng lượng hành lý xách tay miễn cước không quá 07kg bao gồm 01 kiện chính và 01 túi xách tay nhỏ. Kích thước của hành lý được quy định như sau:
– 01 kiện hành lý xách tay chính có kích thước tối đa 56cm x 36cm x 23cm
– 01 kiện hành lý xách tay nhỏ (bao gồm những túi sau):
- 01 túi xách nhỏ hoặc sách, tạp chí, máy ảnh, túi đựng thức ăn cho em bé, túi mua hàng tại sân bay… có kích thước không quá 30cm x 20cm x 10cm
- 01 túi đựng áo khoác có kích thước tối đa khi mở ra không quá 114cm x 60cm x 11cm
- 01 túi đựng máy tính xách tay có kích thước tối đa là 40cm x 30cm x 10cm
Hành lý xách tay phải vừa vào dưới chỗ ngồi trước mặt hoặc vào ngăn hành lý trong khoang hành khách. Các kiện hành lý xác định là vượt quá trọng lượng hoặc có kích thước quá khổ sẽ không được phép mang lên tàu bay.
QUY ĐỊNH CHẤT LỎNG TRONG HÀNH LÝ XÁCH TAY Hành khách được mang chất lỏng trong hành lý xách tay lên máy bay, nếu các chất lỏng đó đáp ứng các điều kiện sau:
|
2.3. Quy định về hành lý ký gửi
Tùy những hãng hàng không sẽ có quy định về hành lý ký gửi khác nhau. Thông thường thì hành khách được mang 1 kiện 23kg trên đường bay nội địa, Đông Bắc Á, châu Âu, châu Úc. Hành khách được mang 2 kiện 23kg trên các đường bay Nhật Bản, châu Mỹ.
Mang đúng số cân được cho phép. Một số hãng khá chặt về vụ hành lý này, kể cả bạn có bị quá 0,5kg, nhân viên mặt đất cũng sẽ bắt bỏ bớt đồ ra. Trong trường hợp bạn có nhu cầu mua thêm hành lý, sẽ liên hệ với hãng hàng không.
NHỮNG LOẠI ĐỒ BỊ CẤM HOẶC KHÔNG NÊN KÝ GỬI LÊN MÁY BAY
|
3. Kinh nghiệm chuẩn bị hành lý ký gửi đi du lịch
Theo quy định hành lý ký gửi nói trên, bạn sẽ được phép mang 1 hoặc 2 vali có cân nặng tối đa 23kg. Nghe thì có vẻ đơn giản, nhưng thực ra để xếp đủ và đúng 23kg kia lại không phải chuyện gì dễ dàng.
Vì 23kg này sẽ quyết định sự “trọn vẹn” cho chuyến đi của bạn. Mà bạn lại không thể mang tất cả “nhà” đi theo được. Cho nên chỉ mang theo những đồ cần thiết nhất mà bạn có thể sử dụng trong chuyến đi.
Dưới đây mình sẽ chia sẻ cách xếp hành lý ký gửi:
3.1. Chọn một chiếc vali bền
Vâng, chính xác việc đầu tiên là phải sắm một em vali bền. Như chị mình tham rẻ mua một cái vali được sale trên Shopee. Và mới có ngày thứ hai của chuyến đi, phần tay cầm của vali đã bị gãy. Báo hại cho cả chuyến đi bà phải mang vác rất khổ sở.
Cho nên mình thật lòng khuyên các bạn nên mua một chiếc vali tốt, mặc dù giá có cao, nhưng về hiệu quả sử dụng và độ bền nó vẫn hơn. Nhà mình có mua một chiếc Valentino Rudy từ 20 năm trước (mua năm 2003), và vẫn còn sử dụng tốt đến tận bây giờ.
Không nhất thiết phải mua một chiếc vali hàng hiệu hay quá đắt tiền. Vì khi mà được vận chuyển thì hành lý nào cũng sẽ như nhau (và nếu có vấn đề, thì tiền bồi thường cũng sẽ như nhau).
Một mẹo nữa là nên chọn vali có màu sắc nổi bật, để khi tìm hành lý trên băng chuyền sẽ dễ dàng hơn (chứ chọn màu đen, màu ghi thì thôi căng mắt ra tìm).
3.2. Xếp hành lý sớm
Xếp hành lý trước 3 ngày với các chuyến đi ngắn ngày, 7 – 10 ngày với các chuyến đi dài ngày. Các bạn cứ xếp càng sớm càng tốt, vì chẳng may quên cái gì còn có thể bổ sung được. Chứ đừng đến buổi tối trước ngày đi mới xếp hành lý vì như thế sẽ không kịp.
Ví dụ nếu như bạn quên mua bông tẩy trang 3 ngày trước chuyến đi, thì hôm sau vẫn kịp đi mua. Còn nếu mà quên trước ngày đi thì thôi, chỉ biết cầu cứu bạn bè hoặc sang đến nơi mua (mà chưa chắc đã có loại mà bạn quen dùng).
Phân loại các đồ dùng thành các túi nhỏ để dễ quản lý. Ví dụ bạn sẽ để một túi đồ vệ sinh cá nhân, 1 túi đồ điện tử. Việc phân loại các đồ thế này giúp tiết kiệm được thời gian tìm kiếm và tránh mất đồ.
3.3. Chuẩn bị quần áo
a. Chuẩn bị trước quần áo sẽ mặc mỗi ngày: Quần áo đích thị là thứ sẽ chiếm phần lớn diện tích của vali. Mình luôn chuẩn bị trước quần áo sẽ mặc mỗi ngày trước chuyến đi, để khi đến nơi sẽ không mất thời gian chọn quần áo nữa (vì một chuyến đi Châu Âu chỉ có 10 ngày mà bạn cứ ca mãi bài ca không có gì để mặc sẽ rất phí thời gian).
Nên ưu tiên các loại đồ mà có thể kết hợp được nhiều phong cách. Ví dụ một chiếc áo sơ mi trắng có thể giúp bạn kết hợp với nhiều kiểu trang phục.
b. Mang đủ quần áo: Vì sẽ không mất thêm tiền và thời gian mua sắm. Mà chưa chắc đồ mua mới đã phù hợp và đúng như ý của mình.
Như câu chuyện về chị mình chủ quan, nghĩ mùa đông ở Pháp không lạnh bằng ở UK. Cuối cùng mang có 2 cái áo dạ, cuối cùng sau mấy hôm “không chịu được nhiệt” phải ra cửa hàng vớ một cái áo parka của Zara, tốn gần 120€.
c. Mang theo bàn là mini: Mang theo một chiếc bàn là mini để tiện ủi đồ. Mình thấy bàn là khá cần thiết, vì với các chuyến du lịch dài ngày đồ để trong vali dễ bị nhàu. Vậy nên cần có bàn là để trông lúc nào cũng thật chỉn chu.
d. Cách gấp quần áo: Gấp gọn đồ trước khi cho vào vali. Xếp các đồ mặc trước lên trên để không bới ra bời vào xong phải gấp lạ. Tốt nhất các bạn nên cuộn quần áo lại vừa tối ưu được diện tích mà quần áo cũng đỡ bị nhăn.
Với giày dép, nên bọc lại (trong túi ni lông hoặc túi vải) trước khi cho vào vali. Và nên xếp giày dép ở mép vali để tối ưu diện tích xếp đồ.
3.4. Chuẩn bị đồ ăn
Khi du lịch đến quốc gia mới, thì không phải đồ ăn ở quốc gia nào cũng sẽ hợp khẩu vị (nhất là du lịch đến mấy nước ở vùng Trung Đông). Và có “thực mới vực được đạo”. Để giải quyết vấn đề nan giải này, các bạn nên chuẩn bị những đồ dễ ăn.
Đợt đi Ai Cập mình phải mang theo rất nhiều mì gói, và chỗ mì gói mang đi phát huy hết tác dụng cứu đói. Vì đồ ăn ở Ai Cập phải nó là mình ăn không có hợp (hay nói cách khác là nó dở).
Còn không nên mang các đồ ăn tươi hoặc nặng mùi, vì nếu không khai báo với hải quan hoặc theo luật của quốc gia du lịch đến cấm, thì bạn sẽ bị phạt tiền hoặc nặng hơn là bị cấm nhập cảnh.
4. Kinh nghiệm chuẩn bị hành lý xách tay đi du lịch
Một số hãng hàng không giá rẻ (như Vietjet hay Scott) sẽ cân hành lý xách tay trước khi lên máy bay và họ làm rất chặt. Nếu hành lý bị quá cân và quá kích thước sẽ bị bắt bỏ lại ở sân bay (và nặng hơn là sẽ bị mất tiền mua thêm hành lý).
Như đợt mình đi Hàn Quốc, có rất nhiều bạn du học sinh đã phải vứt bớt đồ lại sân bay vì bị quá cân. Đấy còn là trường hợp của các bạn du học sinh, còn khách du lịch bình thường sẽ còn nghiêm hơn.
Cho nên việc chuẩn bị hành lý xách tay cũng không hề đơn giản như nhiều người vẫn nghỉ. Sau đây là các kinh nghiệm chuẩn bị hành lý xách tay đi du lịch:
4.1. Những hành lý nên xách tay
Hành lý xách tay các bạn nên mang theo những vật dụng nhỏ nhẹ và cần dùng đến thường xuyên như:
– Hộ chiếu, máy bay, visa và các giấy tờ quan trọng
– Ví tiền + thẻ ngân hàng
– Một chiếc áo khoác mỏng và một chiếc khăn mỏng (trong trường hợp lạnh có thể mặc luôn)
– Khẩu trang
– Các thiết bị điện tử: Điện thoại, Máy ảnh, máy tính, sạc điện thoại, sạc máy ảnh…
– Giấy ướt, giấy ăn khô
– Đồ skincare và vệ sinh các nhân size nhỏ (Với các chất lỏng có dung tích trên 100ml nên chắt ra các các lọ nhỏ).
Không mang các đồ vật sắc nhọn trong hành lý xách tay, nếu các bạn mang theo đến cửa an ninh sẽ bị vứt lại.
4.2. Cách sắp xếp hành lý xách tay
Túi xách tay các bạn nên mua mấy loại túi vải dù có thể dễ dàng gấp gọn được vì loại túi này sẽ dễ đối phó trong trường hợp mà bị kiểm tra hành lý. Sau đó bạn sẽ xếp áo khoác mỏng và một chiếc khăn mỏng, máy ảnh, giấy ướt hoặc giấy khô, đồ skincare vào túi này.
Còn túi nhỏ thì nên để điện thoại, khẩu trang, ví tiền và hộ chiếu (và vé máy bay) để dễ dàng lấy ra được.
Để cho an toàn các bạn nên mua một cái khóa nhỏ để khóa lại. Cái khóa này các bạn có thể dễ dàng mua trên Shopee.
5. Tổng kết: Kinh nghiệm chuẩn bị hành lý đi du lịch
5.1. Tips chuẩn bị hành lý du lịch
– Tạo một checklist những đồ vật cần mang theo khi đi du lịch, mỗi khi xong một món thì tích vào. Và kiểm tra lại một lượt trước ngày đi.
– Nếu đi cùng một nhóm thì phải nhớ nhắc nhau mang đủ đồ và nên nhắc nhiều lần cho chắc. Vì mình đã có lần nhắc con em mình mang theo đồ, nó cứ bảo là mang rồi và không kiểm tra lại. Y như rằng đến nơi quên, thế là mình bắt nó đi mua luôn cho nhớ.
– Tạo một ký hiệu nhận biết riêng cho hành lý của bạn. Ví dụ như cài tag hành lý, viết hoặc dán tên, và dùng bút đánh dấu.
– Mua một cái cân điện tử cầm tay để tiện mang theo và cân hành lý trước mỗi chuyến bay. Cái cân này có thể dễ dàng mua trên Shopee.
– Kiểm tra lại tất cả các hành lý thật kỹ trước khi khởi hành (các bạn yên tâm bước này không hề thừa).
– Tuyệt đối không nhận trông,hoặc vận chuyển giúp hành lý của bất kỳ ai không quen biết tại sân bay.
5.2. Tổng kết
Trên đây là kinh nghiệm chuẩn bị hành lý du lịch của Chibikiu. Việc chuẩn bị hành lý tưởng chừng khá đơn giản, nhưng mà phải thật lưu ý. Hy vọng sau bài viết này các bạn có thế chủ động hơn trong việc chuẩn bị hành lý du lịch,
Nếu các bạn cần thêm thông tin gì có thể tham khảo các bài viết khác sau đây:
Nếu thấy bài viết trên đây có ích, các bạn có thể giúp mình duy trì blog bằng cách nhấn vào link dưới đây nhé:
– TỔNG HỢP WEBSITE CẦN THIẾT KHI ĐI DU LỊCH –
|