Kinh nghiệm du lịch Lâu đài Himeji Nhật Bản

Được xem là một trong “Tam đại quốc bảo thành ở Nhật Bản”, Lâu đài Himeji là điểm đến hàng đầu tại đất nước mặt trời mọc. Với kiến trúc đặc trưng, lâu đài được chọn là hình mẫu lý tưởng cho các lâu đài ở Nhật Bản. Blog sau đây Chibikiu sẽ chia sẻ Kinh nghiệm du lịch Lâu đài Himeji Nhật Bản

 

lâu đài himeji nhật bản

 


1. Giới thiệu Lâu đài Himeji Nhật Bản

Trước khi chia sẻ kinh nghiệm du lịch Lâu đài Himeji, mình sẽ nói qua một số thông tin về công trình này: 

  • Về lâu đài Himeji
  • Lịch sử thành Himeji

 

1.1. Về lâu đài Himeji

Trong lịch sử, toàn bộ đất nước Nhật Bản được chia làm nhiều vùng, và mỗi vùng lại được cai trị bởi những lãnh chúa khác nhau. Để thể hiện sức mạnh và quyền lực của mình, các lãnh chúa đã cho xây dựng các tòa thành có quy mô rộng lớn. 

Một trong số những tòa thành nổi bật phải kể đến Himeji. Được xây dựng vào năm 1346, toạ lạc tại trung tâm thành phố Himeji, thuộc tỉnh Hyogo, Nhật Bản, lâu đài Himeji nổi bật với màu trắng tinh khôi. Cùng với thành Kumamoto và Matsumoto được xem là “Tam đại quốc bảo thành ở Nhật Bản”.

Thành Himeji nổi bật với màu trắng tinh khôi, tựa như một chú hạc trắng tung cánh bay lên bầu trời. Và đây cũng là lý do mà lâu đài Himeji còn được gọi với cái tên lâu đài Hạc Trắng. 

 

du lịch lâu đài himeji

 

1.2. Lịch sử thành Himeji 

Lâu đài Himeji được bắt đầu xây dựng từ năm 1333 theo mệnh lệnh từ lãnh chúa Norimura Akamatsu của vùng Harima với mục đích phòng thủ. Trải qua gần 700 năm, Lâu đài Himeji vẫn đứng vững, dù trải qua biết bao nhiêu thăng trầm của lịch sử, đặc biệt khi phải hứng chịu bom đạn của Chiến tranh thế giới thứ 2, và trận động đất Kobe 1995. 

Đến năm 1993, lâu đài Himeji đã được UNESCO công nhận là Di sản thế giới đầu tiên của Nhật Bản và di tích lịch sử đặc biệt của Nhật Bản. Trong đó, nhiều bộ phận khác nhau của thành Himeji đã được công nhận là quốc bảo hoặc di sản văn hóa quan trọng của quốc gia.

Nhiều biện pháp đã được triển khai để bảo tồn lâu đài. Lâu đài Himeji đã trải qua nhiều đợt trùng tu từ năm 2010 đến 2015 và được mở cửa lại trong diện mạo mới. Ngày nay, lâu đài Himeji đã trở thành một trong những lâu đài được tham quan nhiều nhất tại Nhật Bản, đón 2,8 triệu lượt khách/năm.

 

thành himeji

 



 


2. Kiến trúc lâu đài Himeji

2.1. Kiến trúc lâu đài Himeji Nhật Bản

Quần thể lâu đài Himeji tọa lạc ở trung tâm thành phố Himeji, trên ngọn đồi Himeyama, có độ cao 45,6m (150ft) trên mực nước biển. 

Lâu đài Himeji là hình mẫu lý tưởng cho các lâu đài tại Nhật Bản bởi kiến trúc đặc trưng mang dấu ấn xứ phù tang. Quần thể lâu đài Himeji là một hệ thống bao gồm 83 công trình (với lâu đài chính và các công trình chức năng như nhà kho, cổng, hành lang, tháp canh), trải dài trên diện tích 233 hecta. 

Phần lâu đài chính có tất cả 6 tầng lầu, sử dụng vật liệu bằng gỗ (khoảng 36 tấn), được phủ thạch cao trắng bên ngoài nhằm mục đích chống cháy, chống thấm. Tên gọi Hạc trắng của lâu đài cũng là vì vẻ bên ngoài với các tháp canh được phủ thạch cao trắng xóa, làm liên tưởng đến hình ảnh những con hạc đang cất cánh bay cao. Phần mái ngói tương phản đẹp mắt với tường trắng và cho thấy nhiều cơ cấu phòng thủ tinh vi quanh lâu đài.

 

thành himeji

 

2.2. Bên trong lâu đài Himeji có gì?

Lâu đài Himeji có 6 tầng nổi, và 1 tầng hầm. Mỗi tầng lại có những công năng, cũng như bài trí các hiện vật khác nhau. Tất cả các tầng đều sở hữu dãy hành lang dài, do trước đây là một pháo đài phòng thủ nên tòa thành có rất ít cửa sổ được mở, thường là những cửa sổ hẹp hình chữ nhật. 

Bắt đầu tầng 1 là trưng bày những hiện vật lịch sử gắn liền với lâu đài (gồm có các loại vũ khí, súng đạn). Tầng 2 không có mấy khác biệt so với tầng 1, nhưng lên tầng 3 và tầng 4 lại đóng vai trò quan sát khu vực khu vực xung quanh lâu đài. Tầng 5 và tầng 6 được sử dụng với mục đích canh phòng, nên từ cửa sổ có thể ngắm toàn cảnh thành phố Himeji và khu vực xung quanh. 

Đặc biệt ở tầng 6, khác biệt với những tầng còn lại do sở hữu đền thờ Osakabe. Bởi vì lâu đài Himeji được xây dựng trên một đền thờ thần đạo. Với nỗi lo sợ rằng việc phá bỏ đền thờ sẽ đem đến lời nguyền cho gia tộc, nên đền thờ đã được xây dựng lại bên trong lâu đài và được đặt ở tầng cao nhất sau Thế chiến thứ 2. 

 

du lịch lâu đài nhật bản
Cảnh nhìn từ lâu đài Himeji

 


3. Kinh nghiệm di chuyển đến Lâu đài Himeji

Từ Osaka, hay các thành phố khác của Nhật, các bạn có thể đi tàu hoặc xe buýt đến Hyogo. Nhưng mà tiện lợi nhất ở Nhật, vẫn là đi tàu. Thành phố Hyogo kết nối với Tokyo, Osaka, Hiroshima và các thành phố lớn khác thông qua tuyến Tokaido-Sanyo Shinkansen.

Từ ga JR (ngay sau khi xuống tàu) bạn sẽ nhìn thấy ngay lâu đài Himeji ở đằng xa xa. Chỉ cần đi thẳng về hướng lâu đài là được nhé. 

LƯU Ý:

– Ứng dụng Google Maps được sử dụng phổ biến tại Nhật Bản, và ứng dụng này chỉ đường cũng khá chính xác (chính xác đến từng phút tàu chạy luôn). 

– Để thuận tiện cho việc di chuyển tại Nhật Bản, các bạn nên lựa chọn cho mình một loại thẻ di chuyển phù hợp. Trong hành trình du lịch Nhật Bản, mình sử dụng thẻ ICOCA. Thẻ này có thể dễ dàng mua và sử dụng ở các ga tàu, cửa hàng tiện lợi trên khắp Nhật Bản. 

 


4. Kinh nghiệm tham quan lâu đài Himeji

4.1. Nên tham quan thành Himeji vào giai đoạn nào?

Nổi tiếng với những giá trị kiến trúc và lịch sử, lâu đài Himeji là điểm đến quanh năm của du khách. Nhưng thời điểm đẹp hơn chắc chắn là thời điểm hoa anh đào nở rộ. Xung quanh thành Himeji được trồng hơn 1000 gốc hoa anh đào. Cho nên cứ đến độ xuân về, là những cây hoa anh đào nở rộ, khoe sắc tạo nên một khung cảnh rung động lòng người. 

Thực sự không dễ gì có thể căn được đúng lúc hoa anh đào nở rộ cả, mà nếu đi được đúng lúc hoa anh đào nở rộ thì giá cả cũng rất cao. Nhưng nếu bạn đã có cơ hội đến thành Lâu đài Himeji vào thời gian này thì sẽ không hối tiếc. 

Để căn được đúng giai đoạn hoa anh đào nở rộ, các bạn nên theo dõi lịch dự báo trên các trang dự báo. Và nên nhớ rằng tất cả các dự báo chỉ là tương đối, lịch hoa nở sẽ còn phụ thuộc vào thời tiết không phải lúc nào cũng chính xác (năm mình đi hoa nở muộn so với dự báo tận 10 ngày)

 

lâu đài himeji

 

4.2. Mua vé thăm quan lâu đài Himeji

Các bạn có thể mua vé tại quầy . Mình đi đúng vào mùa cao điểm (đúng lúc hoa anh đào nở chính vụ), nhưng không hề phải chen chúc hay đặt trước vé gì cả. 

Ngoài vé vào lâu đài Himeji, các bạn có thể mua vé vào khu vườn Koko-en ngay bên cạnh quần thể. Và vé combo này chỉ đắt hơn vé thường có 50¥ thôi. Và lưu ý rằng vé chỉ có giá trị trong ngày

  • Giá vé: 1000¥ (Người Lớn từ 18 tuổi trở lên) | 300¥ (Học Sinh) 
  • Thời gian mở cửa: 09:00 – 17:00 (mùa hè 01/06 – 31/08 mở cửa đến 18:00)
  • Lâu đài đóng cửa vào ngày 29 và 30/12 hàng năm

 

hoa anh đào himeji

 

4.3.  Lịch trình tham quan thành Himeji

Vì quần thể lâu đài Himeji khá rộng và thường các bạn sẽ không ở qua đêm tại thành phố Himeji mà sẽ ở tại các thành phố lân cận, các bạn nên dành nửa ngày trở lên tham quan quần thể Lâu đài Himeji. 

Về thứ tự tham quan, các bạn có thể chọn đi vòng công viên bên ngoài trước rồi vào bên trong, hoặc vào bên trong lâu đài trước rồi mới thăm quan công viên. Nhưng theo mình nên đi vào khu vực bên trong lâu đài trước, vì khu vực bên trong lâu đài sẽ đóng cửa sớm hơn. 

Khi vào bên trong lâu đài, các bạn sẽ phải cởi giày, túi đựng giày sẽ được phát miễn phí ở cổng (nên bạn không cần mang theo túi).

Sau khi tham quan quần thể lâu đài Himeji xong, các có thể đi bộ ra khu vườn Koko-en (nếu mua vé combo) hoặc ra công viên phía sau lâu đài Himeji. Nhưng nếu thích săn ảnh thì nên ra công viên phía sau thành Himeji. 

Đây là góc chụp ảnh có thể bắt trọn toàn cảnh lâu đài, nhành hoa anh đào rủ xuống, chiếc cầu đỏ bắc ngang qua con hào, và thỉnh thoảng là những chiếc thuyền gỗ. Nhưng nhớ là phải căn trong thời gian thuyền chạy, thì mới chụp được khoảnh khắc thuyền chèo qua.

 

Lâu đài hạc trắng

 



 


5. Tổng kết: Kinh nghiệm tham quan lâu đài Himeji Nhật Bản

5.1. Tips du lịch Nhật Bản

– Việc sở hữu sim điện thoại mà có thể gọi điện được chỉ dành cho người có thẻ cư trú tại Nhật, còn khách du lịch chỉ có thể sở hữu sim điện thoại sử dụng được 4G và không gọi điện được (quy định này đã được nới lỏng rồi). Các bạn có thể mua sim trước ở Việt Nam, và sim này có thể qua một số bạn seller trên Facebook hoặc trên Klook. 

Nên đặt phòng tại Osaka, vì Osaka là thành phố lớn và từ đây sẽ dễ di chuyển đi các điểm du lịch khác hơn. Và ở Osaka có nhiều hoạt động vui chơi. 

– Ở Nhật thanh toán bằng tiền mặt vẫn còn phổ biến (và không như ở Việt Nam hay Trung Quốc sử dụng mã QR). Và một số điểm sẽ chỉ nhận tiền mặt. Các bạn nên chuẩn bị đủ tiền mặt cho chuyến đi nhé. 

– Ở bên Nhật hầu như người dân không nói được Tiếng Anh (nếu nói được thì cũng nói chỉ bập bẹ được một ít) và sẽ giao tiếp chủ yếu bằng Tiếng Nhật. Và đây là một trong những vấn đề khó khăn nhất với khách du lịch khi tới Nhật Bản. 

– Nhật Bản là một quốc gia ưa chuộng sự tiện lợi, nên nếu chẳng may có cần rút tiền, nạp thẻ phương tiện công cộng, đi vệ sinh, hay cả photocopy… bạn có thể vào cửa hàng tiện lợi.  

 

 

5.2. Tổng kết

Lâu đài Himeji xứng đáng là điểm đến hàng đầu tại đất nước mặt trời mọc, một di sản mà lịch sử đã để lại cho các thế hệ sau thán phục và chiêm ngưỡng. 

Trên đây là blog Kinh nghiệm du lịch Lâu đài Himeji Nhật Bản của Chibikiu. Nếu bạn cần thêm thông tin, có thể tham khảo các bài viết khác trong series Nhật Bản

  • Kinh nghiệm du lịch Osaka
  • Kinh nghiệm du lịch Tokyo
  • Kinh nghiệm du lịch Kyoto

Nếu thấy bài viết trên đây có ích, các bạn có thể giúp mình duy trì blog bằng cách nhấn vào link dưới đây nhé:

– TỔNG HỢP WEBSITE CẦN THIẾT KHI ĐI DU LỊCH –

error: Content is protected !!