Không sôi động như Pattaya, Hua Hin là một điểm dừng chân lý tưởng cho những ai muốn tìm một chút gì đó êm đềm ngay gần Bangkok. Với đường bở biển dài 5km cùng nhiều công viên và các di tích lịch sử độc đáo, Hua Hin là một điểm đến hấp dẫn không chỉ với người dân Thái Lan, mà còn cả những du khách quốc tế. Blog sau đây Chibikiu sẽ chia sẻ Kinh nghiệm du lịch Hua Hin tự túc.
Table of Contents
1. Nên du lịch Hua Hin vào thời điểm nào
Với khí hậu nhiệt đới, có hai mùa là mùa khô và mùa mưa. Thời điểm tốt nhất để du lịch Hua Hin là từ tháng 11 đến tháng hai vì trong giai đoạn này hầu như không có mưa và trời không quá nóng. Tuy nhiên thì đây cũng là giai đoạn khách du lịch kể cả nội địa lần quốc tế đổ về Hua Hin đông nhất.
Nhưng các bạn cũng đừng quá lo lắng là sẽ phải chen chúc đến mức không có chỗ mà đứng. Mình đi vào ngày thường giai đoạn cao điểm, nhưng cũng vắng lắm chứ không hề đông như các reivew về du lịch Hua Hin đâu.
2. Cách đi Hua Hin từ Bangkok
Có 4 cách để đi Hua Hin từ Bangkok. Chi tiết về các cách như sau:
2.1. Xe bus – Cách đi Hua Hin tiện nhất
Nếu các bạn đáp xuống tại sân bay Suvarnabhumi thì đi bus là tiện nhất.Để tìm quầy bán vé rất dễ, sau khi nhập cảnh và lấy hành lý xong xuôi xong thì chỉ cần đi theo biển chỉ dẫn là được (cụ thể quầy đặt tại Tầng 1 Gate 8).
Xe buýt sẽ trả bạn trước cửa sân bay Hua Hin, rồi sau đó các bạn sẽ bắt shuttle bus hoặc taxi đi tiếp về khách sạn. Theo mình nên đi taxi về thẳng khách sạn cho tiện, vì nếu đi shuttle bus vẫn mất thêm một lần tiền nữa để đi taxi về khách sạn.
* LƯU Ý:
|
2.2. Xe minivan – Cách đi Hua Hin từ Bangkok rẻ nhất
Xe minivan hay còn được gọi với một cái tên không ngôn tình và thực tế là “xe đò”. Do chủ quan không đặt trước vé xe bus từ sân bay Suvarnabhumi về Hua Hin, mà chuyến tiếp sau tận 7 giờ tối mới có. Thế là mình quyết định đi ra bến bắt xe minivan đến Hua Hin luôn.
Xe minivan sẽ tập trung ở 2 bến là Mochit Bus Station và Sai Tai Mai Bus Terminal (hồi xưa là ở BTS Victory Monument – Exit 2). Cứ có đủ người là xuất phát, giá vé một chiều là 180 THB.
Lựa chọn này phù hợp với các bạn đi du lịch một mình như mình. Nhưng trải nghiệm trên xe lại không được tốt cho lắm vì trên xe nhồi rất đông người, cảm giác 2 tiếng rưỡi trên xe nó dài như thiên niên kỷ vậy.
Còn từ Hua Hin về Bangkok, mình có nhờ khách sạn đặt giúp. Không biết là quen biết thế nào hay vì tiện đường nên xe đến đón tận cổng khách sạn luôn, không phải ra bến nữa.
2.3. Taxi – Cách đi Hua Hin từ Bangkok thoải mái nhất
Nếu đi nhóm từ 3 – 4 người, các bạn có thể đặt xe taxi từ sân bay Suvarnabhumi hoặc Don Mueang đến Hua Hin luôn.
Ưu điểm của dịch vụ này là tiện lợi và thoải mái, nhưng giá lại khá cao (tầm 2000 – 3000 THB / 1 chiều).
Các bạn có thể đặt trước qua trang sau hoặc đến sân bay ra quầy đặt cũng được. Nhưng mình khuyên là nên đặt trước để cho đỡ cập rập.
2.4. Đi tàu – trải nghiệm đi Hua Hin mới mẻ
Theo kinh nghiệm du lịch Hua Hin của mình thì không nên đi tàu từ Bangkok xuống Hua Hin. Vì đi tàu mất nhiều thời gian hơn so với các phương tiện còn lại (từ 3 đến 4 tiếng rưỡi), trong khi chi phí cũng không phải là rẻ (400 THB trở lên cho tàu Express).
3. Kinh nghiệm đặt phòng du lịch Hua Hin Thái Lan
3.1. Đặt phòng ở đâu khi du lịch Hua Hin
– Các khách sạn ở Hua Hin giá khá là phải chăng và có nhiều sự lựa chọn “thượng vàng hạ cám”. Cho nên mình nghĩ cùng chả cần phải đặt trước quá sớm đâu.
– Là 1 thành phố du lịch nghỉ dưỡng nên không khó để tìm được một khách sạn ưng ý tại Hua Hin. Mình recommend các bạn nên ở các khách sạn cạnh đường lớn hoặc quanh Hua Hin Clock Tower (khu trung tâm thành phố).
3.2. Reivew khách sạn The Serenity
Trong chuyến du lịch đến Hua Hin, mình book khách sạn The Serenity. Khách sạn hơi xa trung tâm một tẹo và xung quanh cũng có ít hàng quán tụ tập.
Nhưng được cái có bể bơi rất đẹp, mấy phòng ở dưới tầng 1 bước chân ra một cái là xuống bể bơi luôn. Khi nhìn ảnh mình đã mê luôn đó. Ngoài ra, vì ở ngay trục đường chính nên bắt songthaew với taxi rất tiện.
Tuy nhiên thì ở đối diện khách sạn có một cái bar chơi nhạc đến tầm hơn 12h đêm một tí nên rất ầm, kể cả đóng cửa phòng vào rồi vẫn nghe thấy tiếng. Dưới dây là thông tin của khách sạn:
The Serenity Hua Hin |
4. Kinh nghiệm di chuyển du lịch Hua Hin
4.1. Di chuyển giữa các điểm vui chơi
Trước khi đu lịch Hua Hin, mình có lên mạng tìm thông tin thì được biết các địa điểm vui chơi ở đây cách xa nhau và không nằm gần trung tâm thành phố. Cách được mọi người recommend nhất là thuê xe với tài xế riêng đưa đón đi chơi trong một ngày.
Mình tìm trên mạng thì rất ít thông tin và contact mấy chỗ cho thuê lái xe. Tìm được một chỗ thì email hỏi tài xế biết tiếng Anh không thì mãi không reply. Mình nghĩ thôi đến nơi hỏi cho ra nhẽ rồi mới đặt cho an tâm.
Cuối cùng, ở trung tâm Hua Hin dọc vỉa hè chỗ nào cũng có mấy ông bà cầm biển quảng cáo cho thuê xe, còn có chỉ dẫn các địa điểm mà giá lại còn khá rẻ (4 điểm – 1500 THB).
Nhưng cuối cùng mình về khách sạn hỏi thì được báo giá cũng tương đương nên mình đặt qua khách sạn cho an tâm. Và mình cũng khuyên bạn đặt trực tiếp với khách sạn, vì có vấn đề gì người ta còn giải quyết cho mình.
4.2. Di chuyển trong thành phố
Còn trong thành phố các bạn có thể di chuyển bằng taxi và songthaew rất tiện. Tuy nhiên thì so với taxi (trung binh 100 THB / 1 chuyến) thì đi songthaew rẻ hơn nhiều (10 THB / 1 chuyến).
Riêng khách sạn The Serenity của mình còn có dịch vụ minibus đưa đón khách theo tuyến đến trung tâm thành phố (Hua Hin Clock Tower), nên mình cùng tiết kiệm được kha khá.
5. Giới thiệu các điểm du lịch Hua Hin
5.1. Santorini Park- Hy Lạp giữa lòng Thái Lan
Santorini Park là tổ hợp công viên xây dựng mô phỏng theo lối kiến trúc độc đáo của hòn đảo Santorini của Hy Lạp.
Nếu Santorini thật đạt điểm 10 tuyệt đối thì công viên này cũng được điểm 6 điểm 7. Đến đây bạn sẽ có cảm giác như đang dạo bước giữa những con phố ở thị trấn Oia xinh đẹp của đảo Santorini vậy.
|
5.2. Plearn Wan Eco Vintage Village – 1 chút vintage tại Hua Hin
Plearn Wan Eco Vintage Village là một tổ hợp trung tâm thương mại mô phỏng các buôn làng ở Thái thập niên 50-60 thế kỷ trước ấy. Ở đây các bạn có thể tìm thấy các căn nhà gỗ xinh xinh, cùng những cửa hàng đậm chất vintage luôn.
Nhìn chung thì khu này rất bé và không có gì để tham quan, đi tầm 15 phút là hết chỗ chơi, đồ ăn bán thì siêu dở. Nhưng được cái lên hình lại rất đẹp, nhất là cái góc đứng trên cầu nối giữa 2 tòa nhà ở tầng 2 chụp xuống.
|
5.3. The Venezia – Venice & Roma trong lòng Hua Hin
The Venezia là công viên được xây dựng mô phỏng theo 2 thành phố ở Italy là Venice và Roma. Cũng có kênh đào, cũng có đài phun nước, cũng có thuyền gondola nhưng mà Chibikiu thấy thua xa bản chính nhiều. Đặc biệt khi đứng cạnh dòng kênh, vốn là nước bể bơi, sẽ có mùi clo bốc lên.
So với các địa điểm du lịch khác thì vé vào cửa ở The Venezia đắt nhất vì vé bao gồm cả các điểm vui chơi trong này luôn. Nhưng theo mình thì mấy điểm vui chơi nó cũng không đáng so với số tiền đã bỏ ra.
|
5.4. Mrigadayavan Palace – Cung điện mùa hè
Cung điện Mrigadayavan (hay Cung điện mùa hè), là công trình nghỉ dưỡng phục vụ cho Hoàng gia Thái Lan. Được xây dựng dưới thời vua Rama VI, công trình là sự kết hợp khéo léo giữa nét mộc mạc đậm chất Thái và phong cách kiến trúc Châu Âu.
|
5.5. Swiss Sheep Farm – Trang trại cừu
Nằm đối diện Santorini Park, Swiss Sheep Farm là nông trại được xây theo phong cách đồng quê Châu Âu. Đến đây bạn sẽ được chơi đùa cùng những chú cừu rất dễ thương.
Tuy nhiên mình không khuyến khích đến đây chụp ảnh cho lắm, vì mấy cái trang trí trông cứ trẻ con thế nào ấy.
|
5.6. Bãi biển Hua Hin
Từ một điểm nghỉ dưỡng cho Hoàng gia, ngày nay Hua Hin đã trở thành một điểm du lịch hấp dẫn. Trước khi đi mình đã đọc nhiều bạn miêu tả biển Hua Hin bằng những mỹ từ như bãi cát dài, trắng mịn, nước biển trong xanh và sóng vỗ êm đềm.
Nhưng thực tế thì thua xa biển ở Việt Nam, mình không recommend vụ tắm biển tắm bủng này nhé. Ngoài ra ở đây còn có dịch vụ thuê ngựa nữa chỉ có 300 THB / 20 phút.
5.7. Ga tàu hỏa Hua Hin (Hua Hin Railway Station)
Nhà ga Hua Hin được xem là một công trình mang tính lịch sử của thành phố. Được xây dựng dưới triều đại vua Rama VI, đây từng là cầu nối giao thông huyết mạch nối Bangkok với Singapore, biến Hua Hin trở thành một địa điểm du lịch nổi tiếng thời bây giờ.
Ngày nay, ga tàu không những thu hút du khách bởi giá trí lịch sử, mà còn bởi kiến trúc độc đáo với gam màu đỏ nổi bật.
6. Kinh nghiệm shopping ở Hua Hin
6.1. Tips shopping ở Hua Hin
– Cá nhân mình thấy Hua Hin chỉ là điểm vui chơi nghỉ dưỡng thôi chứ shopping thì thực sự rất chán. Hàng hóa lèo tèo, ít sự lựa chọn mà giá cả cũng không được tốt cho lắm. Các bạn cứ lên Bangkok mà shopping cho lành.
– Nhưng mà cũng có ngoại lệ, một số outlet bán đồ khá rẻ, mà hang hóa lại độc, về Bangkok chưa chắc đã mua được.
– Khi mua ở chợ đêm các bạn cứ trả giá nhiệt tình cho mình, vì họ cũng nói thách mà.
Mình cũng note ra đây một số địa điểm shopping ở Hua Hin cho các bạn nhé:
6.1. Chợ đêm Chatsila
Vì mình đi vào giữa tuần, nên chỉ có mỗi chợ đêm Chatsila (hay Hua Hin Market) là hoạt động. Ở đây cái gì cũng có mát xa, ăn uống, đồ lưu niệm, nhưng quanh đi quẩn lại cũng không có gì đặc biệt mấy.
Nếu bạn tìm kiếm một địa điểm mua sắm thì đây không phải là một lựa chọn hợp lý cho lắm. Nhưng mà ăn uống thì lại quá ok.
6.2. Chợ đêm Cicada
Khác với chợ đêm Chatsila, chợ Cicada chỉ hoạt động vào 3 ngày cuối tuần. Tại đây bạn có thể tìm thấy cơ man các mặt hàng thủ công tinh xảo, trang trí được bày trí vô cùng bắt mắt.
Ngoài mua sắm và ăn uống ra, tại chợ Cicada thường hay diễn ra các hoạt động biểu diễn văn nghệ đường phố sôi động.
6.3. FN Outlet Premium Hua Hin
FN Outlet Premium là một chuỗi các trung tâm thương mại bán đồ hiệu giảm giá ở Thái Lan. Ở Hua Hin cũng có một chi nhánh của FN Outlet Premium, mình tranh thủ tầm trưa nóng ghé qua đây luôn.
Quần áo ở chỗ này cũng bình thường không có gì quá nổi bật, nhưng được cái giá rẻ. Mình tìm được một bộ thể thao Adidas rất vừa túi tiền nhưng cứ nghĩ lên Bangkok mua cho rẻ. Cuối cùng ở trên Bangkok lại không có bộ đấy.
|
7. Kinh nghiệm ăn uống du lịch Hua Hin
Theo kinh nghiệm du lịch Hua Hin của mình, thì đồ ăn ở đây không được ngon như ăn ở Bangkok. Không hiểu sao mình ăn mấy hàng mà đều chán cả.
Và không nên ăn đồ trong mấy điểm du lịch, vì đồ ăn rất dở mà giá lại còn đắt nữa. Mình ăn bát mỳ ở Santorini Park và Plearnwan Eco Vintage Village, những 80 THB mà không thể nuốt nổi ý.
Ở Hua Hin nếu muốn ăn hải sản ngon các bạn có thể ra chợ đêm Chatsila. Dọc đường chính của chợ (Hua Hin 72 hay Dechanuchit Road) có 3 hàng hải sản ngon có tiếng là KO Seafood Restaurant, Lung Ja, Hua Hin Seafood.
Lưu ý một chút là đồ ăn ở 3 hàng này rất cay, các bạn nên nhắc phục vụ bớt bớt cay đi nhé. Và điểm cộng nữa là dù đông nhưng nhân viên ở đây cực nhiệt tình. Thấy mình không ăn hết ra hỏi đồ ăn có vấn đề gì hay sao? (thực ra cũng do siêu cay nên là ăn không có hết dù đồ cực ngon)
LUNG JA
|
8. Lịch trình du lịch Hua Hin 3N2D
Theo kinh nghiệm du lịch Hua Hin của mình, nên đi từ 4N3D nếu các bạn muốn kết hợp vui chơi nghỉ dưỡng theo kiểu chill chill.
Đi 3N2D như mình cũng được, nhưng có hơi vội một chút nhé. Vì nếu đi 3N2D như mình, tính cả thời gian di chuyển thì chỉ có duy nhất 1 ngày trọn vẹn ở Hua Hin thôi.
Trong 1 ngày đó, các bạn không nên dồn đi hết các điểm mà chỉ nên đi từ 2 – 3 điểm thôi. Nên xếp xen kẽ sáng đi tham quan, trưa đi ăn và shopping (vì buổi trưa rất nắng), sau đó đi tham quan tiếp.
Ngoài ra nếu đi nhóm đông, các bạn có thể thuê xe taxi riêng về Bangkok, trên đường về tranh thủ đi tham quan một số địa điểm du lịch ở Hua Hin cũng được. Nhưng khi về đến Bangkok, mệt không còn sức luôn.
Dưới đây là lịch trình du lịch Hua Hin 3N2D tham khảo của Chibikiu:
NGÀY 1: Bangkok – Plearn Wan Eco Vintage Village
Chuyến bay đến Bangkok hạ cánh lúc 11:00 giờ, sau khi nhập cảnh và lấy hành lý xong xuôi, mình đi ra bến minivan để bắt xe đi Hua Hin luôn.
Mình đến Hua Hin lúc 4:00 chiều, vì háo hức quá nên để đồ ở phòng xong chạy ra biển chơi, rồi qua Plearn Wan Eco Vintage Village luôn.
NGÀY 2: Santorini Park – FN Outlet – The Venezia – Chatsila Night Market
Có một ngày trọn vẹn ở Hua Hin, mình xếp đi đúng 2 điểm mình thích nhất là Santorini Park và The Venezia. Tranh thủ nghỉ trưa qua FN Outlet ăn uống và shopping.
NGÀY 3: Mình dậy sớm và bắt xe minivan về Bangkok lúc 8 giờ (lễ tân book vé và xe đón tận cửa khách sạn)
9. Chi phí du lịch Hua Hin
Nhìn chung chi phí du lịch Hua Hin khá rẻ, mình đi một mình nên tiền thuê xe riêng đi chơi và khách sạn mới bị đội lên kha khá. Đi nhóm tầm 4 người thì chi phí khi chia ra sẽ rất hợp lý (nhất là lúc thuê xe và ở khách sạn).
Sau đây là bảng tổng hợp chi phí du lịch Hua Hin của mình, các bạn có thể tham khảo:
DI CHUYỂN | ||
1. Vé Minivan Bangkok– Hua Hin (2 chiều) | 360 THB | * Mua tại quầy |
2. Thuê xe tại Hua Hin | 2000 THB | * Đặt trực tiếp với khách sạn |
3. Di chuyển trong thành phố | 80 THB | |
LƯU TRÚ | ||
4. Khách sạn (2 đêm) | 3,400 THB | |
THAM QUAN | ||
5. Vé Santorini Park | 150 THB | |
6. Vé The Venezia | 280 THB | * Mua vé trước tại đây |
ĂN UỐNG | ||
7. Tiền ăn 3N2D | 405 THB | |
TỔNG | 6675 THB | ≈ 4,976,000 VND |
10. Tổng kết kinh nghiệm du lịch Hua Hin
10.1. Tips du lịch Hua Hin & Thái Lan
– Mình đổi Bath ở hàng Quốc Trinh (phố Hà Trung)
– Mua sim luôn tại sân bay, nhân viên sẽ lắp sim và set up đầy đủ 4G luôn cho bạn. Chả phải mua trước ở Việt Nam làm gì.
– Nightlife ở Hua Hin khá chán, không sôi động như Pattaya hay Bangkok (ít có các “show” đó)
– Người dân ở Hua Hin tiếng Anh không được giỏi cho lắm. Bác tài chở mình đi ở Hua Hin, chả nói được một câu bồi nào ra hồn cả, may mà mình biết một chút ít Tiếng Thái không thì chả biết đường nào mà lần.
– Nếu có điều kiện, học một số câu tiếng Thái cơ bản để giao tiếp với người bán hàng.
– Đặt trước vé tàu xe và vé các điểm tham quan để tránh phải xếp hàng
10.2. Tổng kết
Sau khi đi Thái chỉ đi có mỗi Bangkok, chuyến du lịch Hua Hin đã cho mình thấy được những nét khác của đất nước Thái Lan.
Nếu thấy bài viết trên đây có ích, các bạn có thể giúp mình duy trì blog bằng cách nhấn vào link dưới đây nhé:
– TỔNG HỢP WEBSITE CẦN THIẾT KHI ĐI DU LỊCH –
|