Kinh nghiệm du lịch Yên Tử

Một điểm đến gắn liền với câu chuyện về một vị vua từ bỏ ngai vàng để theo con đường tu đạo, một điểm đến gói trọn tinh hoa của dân tộc Việt Nam, một điểm đến nơi mênh mênh mang phù vân. Đó chính là Yên Tử – một điểm đến mang cho du khách vạn trải nghiệm. Vậy du lịch Yên Tử như thế nào, chi phí, lịch trình ra sao. Blog sau đây Chibikiu sẽ chia sẻ Kinh nghiệm du lịch Yên Tử

 

kinh nghiệm du lịch yên tử

 


1. Giới thiệu về Yên Tử 

Trước khi chia sẻ kinh nghiệm du lịch Yên Tử, mình sẽ nói qua một chút về địa điểm này. 

Yên Tử tọa lạc tại thôn Nam Mẫu, xã Thượng Yên Công, Thành phố Uông Bí, Tỉnh Quảng Ninh. Yên Tử là địa điểm gắn liền với câu chuyện về Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông, người đã từ bỏ ngai vàng để theo con đường tu đạo. Và đây cũng chính là nơi khai sinh ra phái Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử – dòng Phật giáo đặc trưng nổi tiếng tại Việt Nam. 

Dù đã có nhiều địa điểm tâm linh nổi tiếng tại Việt Nam, nhưng Yên Tử luôn có một vị trí đặc biệt. Không ồn ào, cũng chẳng “khua chiêng gõ mõ”,Yên Tử là thế, ‘lắng đọng” giữa dòng chảy của thời gian. Những tinh hoa kết tinh từ ngàn đời được lưu giữ. Thế là hễ nhắc đến một địa danh nào đó ở Yên Tử, lại có một câu chuyện để kể cho du khách.

Một hành trình đến Yên Tử sẽ cho bất kỳ du khách nào cảm giác an yên, được tìm về bản tâm chân thật của chính mình. 

 

Du lịch yên tử

 



 


2. Nên đi Yên Tử tháng mấy?

2.1. Nên đi Yên Tử tháng mấy?

Yên Tử là điểm mỗi mùa lại có một nét riêng, sau đây là một số gạch đầu dòng nho nhỏ 

Mùa xuân: Đây là thời gian diễn ra lễ hội xuân và mùa cao điểm du lịch Yên Tử. Tuy nhiên thời tiết giai đoạn này ở Yên Tử rất khủng khiếp. Nồm và ẩm kinh khủng. Nếu mà chỉ đi với mục đích du lịch, các bạn nên tránh giai đoạn này ra. 

Mùa hè: Cũng là giai đoạn cao điểm nghỉ dưỡng, nhưng vì ở trên núi nên sẽ mát mẻ hơn ở dưới xuôi. Chỉ nên lưu ý là giai đoạn cuối hè hay thường hay có bão.  

Mùa thu: Đây là giai đoạn theo mình là đẹp nhất tại Yên Tử, thời tiết mát mẻ dễ chịu và không quá đông khách du lịch. Và đây cũng là mùa săn mây nữa. 

Mùa đông: Không phải một giai đoạn phù hợp để đi Yên Tử vì ở trên núi, nên nhiệt độ sẽ thấp, và hôm nào mưa nữa thì lạnh khỏi nói. 

 

2.2. Các lễ hội ở Yên Tử

Lễ hội xuân Yên Tử: Hằng năm, lễ hội Yên Tử diễn ra từ ngày mùng 10 tháng Giêng đến hết tháng 3 Âm lịch. Đây cũng là thời điểm Yên Tử thu hút đông đảo du khách thập phương nhất. 

Giỗ tổ Phật hoàng: Có thể nhiều người sẽ không biết ngày này (1/11 âm lịch). Vào dịp này hay có các chương trình giảm giá (thường là giảm giá vé cáp treo) từ phía ban quản lý để phát tâm với các phật tử thập phương. 

Và thỉnh thoảng ở Yên Tử sẽ có một số sự kiện lớn như fashion show (Fashion show của NTK Adrian Anh Tuấn, NTK Minh Hạnh), chương trình ca nhạc. 

 


3. Kinh nghiệm di chuyển du lịch Yên Tử

3.1. Từ Hà Nội di chuyển đến Yên Tử

Hà Nội cách Yên Tử 130km về phía Đông. Từ Hà Nội đến Yên Tử các bạn có thể đi theo 2 hướng: 

Tuyến 1: Từ trung tâm Hà Nội, đi QL18 đến Uông Bí. Khi đến ngã ba Chùa Trình Yên Tử thì trái vào, rồi cứ đi thẳng là đến Yên Tử.

Tuyến 2: Từ trung tâm Hà Nội các bạn đi cao tốc Hà Nội – Hải Phòng. Đến Hải Phòng, ra khỏi cao tốc, đi QL10. Rồi đi theo biển chỉ dẫn để tớ ngã ba Chùa Trình Yên Tử.

Với hành trình này nếu không có xe riêng, các bạn có thể đặt xe limousine của Phúc Xuyên. Giá vé sẽ là 350,000/lượt, xe đón tại 29 Lê Đại Hành, Hà Nội và đi thẳng đến Legacy Yên Tử – MGallery hoặc Làng Nương.   

 

di chuyển hà nội yên tử

 

3.2. Từ Hạ Long di chuyển đến Yên Tử

Hạ Long cách Yên Tử 54 km, các bạn sẽ mất tầm 1 tiếng đi xe. Từ Hạ Long đi hướng Uông Bí, khi đến ngã ba Chùa Trình rẽ phải đi thẳng đến Yên Tử. 

LƯU Ý

  • Khi đến ngã ba Chùa Trình, đoạn đầu rẽ vào Yên Tử, sẽ có camera kiểm tra tốc độ. Khi lái xe ở đoạn này, các nên đặc biệt lưu ý khi lái xe trên đoạn đường này nhé. 
  • Đường lên Yên Tử có khá ít biển chỉ đường, các bạn cần lưu ý để tránh bị đi nhầm nhé. 

 

di chuyển hạ long yên tử

 

3.3. Từ các tỉnh miền Trung và Miền Nam

Từ các tỉnh miền Trung hay miền Nam đến Yên Tử, các bạn sẽ phải bay ra. Có thể bay đến sân bay Nội Bài (Hà Nội), Cát Bi (Hải Phòng) hoặc Vân Đồn (Quảng Ninh). Rồi từ đây đi theo đường lái xe như trên là đến Yên Tử. 

Để tìm kiếm vé máy bay giá rẻ các bạn có thể sử dụng Skyscanner, Trip.com hoặc Traveloka. Về cách sử dụng Skyscanner như thế nào mình có chia sẻ chi tiết ở bài viết sau.



 


4. Kinh nghiệm đặt phòng du lịch Yên Tử 

Trong khu du lịch Yên Tử có 2 khu nghỉ dưỡng là Legacy Yên Tử – MGallery Làng Nương Yên Tử. Mỗi khu thì sẽ phù hợp với đối tượng khách hàng và hầu bao khác nhau.

Trong khi Legacy Yên Tử – MGallery là khu nghỉ dưỡng 5* cao cấp mô phỏng kiến trúc cung điện cổ thời Trần thế kỷ 13, Làng Nương lại là giống một ngôi làng quê Bắc Bộ cổ dưới chân non thiêng. Và ở Làng Nương sẽ là mô hình phòng kén ngủ (4 người/phòng) phù hợp cho nhóm đi đông người.  

Ngoài ra nếu không muốn lưu trú qua đêm trong khu du lịch Yên Tử, các bạn có thể lưu trú tại các nhà nghỉ bình dân quanh khu vực Nam Mẫu (và tất nhiên được vận hành bởi người dân địa phương). 

LƯU Ý

  • Cả hai khu Legacy Yên Tử và Làng Nương đều không thân thiện với trẻ em (vì do các vật liệu sử dụng để xây dựng và các vật trang tri)
  • Ở trong khu du lịch Yên Tử, có rất ít đèn (và mình cũng không hiểu sao lại để đèn tối thế). Thành ra buổi tối nó tối om. 

 

du lịch yên tử làng nương
Làng Nương Yên Tử – Khu nghỉ mang những dấu ấn của làng quê Việt Cổ

 

 


5. Các điểm du lịch Yên Tử

5.1. Chùa Đồng

Chùa Đồng còn có tên Thiên Trúc tự (chùa Cõi Phật) nằm ở đỉnh cao nhất dãy Yên Tử, ở độ cao 1.068m so với mực nước biển. Đây là ngôi chùa trên đỉnh núi được làm bằng đồng lớn nhất Châu Á.

Chùa Đồng là địa điểm nổi tiếng nhất trong quần thể di tích danh thắng Yên Tử (Quảng Ninh), là đích đến của mọi tăng ni, phật tử, du khách thập phương khi hành hương về đất thiêng Yên Tử. 

 

5.2. Bảo Tượng Phật Hoàng

Để tôn vinh những công đức của Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông đối với dân tộc và đạo pháp. Năm 2009, Ban trị sự giáo hội phật giáo tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức lễ khởi công đúc Bảo tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông.

Bảo Tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông được đúc bằng đồng nguyên khối, theo phương pháp thủ công của các làng nghề Đại Bái – Bắc Ninh, Ý Yên – Nam Định và được đặt tại khu An Kỳ Sinh, Yên Tử. 

 

5.3. Đá An Kỳ Sinh 

Là tượng đá nguyên khối có hình dáng giống một vị đạo sĩ, tà áo khẽ bay trong gió, mang trong mình những bí ẩn linh thiêng về chốn mênh mang Yên Tử. 

Tương truyền đây là một vị đạo sĩ nổi tiếng dưới thời Tần Thủy Hoàng ở Trung Quốc, từng qua đỉnh Yên Tử tìm cây thuốc để luyện linh đan rồi hóa đá. Sự thật về tượng đá này cho đến nay vẫn còn là một ẩn số.

 

hoàng hôn yên tử
Hoàng hôn trên đỉnh núi Yên Tử

 

5.4. Suối Giải Oan

Khi Trần Nhân Tông xuất gia đến núi Yên Tử tu hành, vì không muốn Thượng hoàng đi tu, vua Trần Anh Tông ngầm sai các cung tần mỹ nữ tìm đến đây can ngăn, xin vua trở lại triều đình. Nhưng vua Trần Nhân Tông vẫn quyết định ở lại Yên Tử và khuyên họ trở về. 

Để tỏ lòng trung trinh với nhà vua, một số cung phi đã trẫm mình dưới suối. Một số trong các cung phi đó bị chết đuối nên Trần Nhân Tông đã cho lập đàn để cúng giải oan cho linh hồn các cung phi ấy.

Số cung nữ còn lại, Thượng hoàng đành phải cấp ruộng và nhà bên dưới chân núi, lập thành lành có tên là Năm Mẫu. Dòng suối ấy từ câu chuyện trên mà có tên là suối Giải Oan.

 

5.5. Chùa Một Mái 

Tương truyền rằng chùa xưa là động Thanh Long, nơi Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông lập am Ly Trần để làm nơi đọc sách, soạn kinh. 

Sau khi Đức Phật Hoàng viên tịch, am được dựng thành chùa Bồ Đà, một nửa mái chùa là vòm động, một nửa phô ngoài trời nên chùa có tên là Bán Thiên, Bán Mái, nay gọi là chùa Một Mái.

 

5.6. Chùa Hoa Yên

Tọa lạc ở độ cao 535m so với mực nước biển, Chùa Hoa Yên là ngôi chùa chính của hệ thống chùa ở danh thắng Yên Tử (nên còn được gọi là chúa Cả).   

Chùa vốn được khởi dựng từ thời nhà Lý, lấy tên là Phù Vân. Từ khi Vua Lê Thánh Tông lên vãn cảnh, thấy sắc hoa tươi đẹp nên cho đổi là chùa Hoa Yên. Cái tên này được đặt với hàm ý: chùa tận trên núi cao quanh năm mây phủ, mây lững lờ trôi, trắng nhẹ như mây khói trên núi. 

 

5.7. Huệ Quang Kim Tháp

Vườn Tháp Huệ Quang nằm ở độ cao 500m so với mực nước biển, là nơi lưu giữ ngọc cốt của các nhà sư đã từng tu hành tại Yên Tử. 

Toàn bộ Vườn tháp hiện nay còn lưu giữ 97 ngôi tháp mộ. Mỗi một tháp có lại kích thước và độ cao khác nhau, thể hiện vị trí, chức sắc của các nhà sư tu hành tại nơi đây

 

quần thể yên tử

 


6. Các hoạt động khi du lịch Yên Tử

Nên nhớ rằng Yên Tử là địa điểm tâm linh, nên sẽ hầu hết các hoạt động ở đây sẽ đều không có các hoạt động sôi động như các điểm du lịch khác (như ở đây sẽ không có mấy quán mở nhạc xập xình như ở Bãi Cháy hay các trò chơi cảm giác mạnh)

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, ban quản lý Yên Tử đã đưa ra thêm nhiều hoạt động cho du khách thập phương trải nghiệm. 

Sau đây mình sẽ chia sẻ về các hoạt động mà du khách có thể trải nghiệm tại Yên Tử: 

 

6.1. Hoạt động tâm linh

 “Trăm năm tích đức tu hành, chưa đi Yên Tử chưa thành quả tu”. Yên Tử là vùng đất gắn liền với Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông và Phật giáo, nên phần lớn khách du lịch đến với Yên Tử là đi lễ

Ngoài ra, trong năm tại Yên Tử sẽ tổ chức các khóa tu ngắn ngày như khóa tu gia đình, khóa tu doanh nhân hay khóa tu của các thầy. Mỗi một khóa tu sẽ truyền tải nội dung khác nhau. Nếu các bạn có nhu cầu tham gia khóa tu hãy tham khảo thông tin trên các trang chính thức của Yên Tử. 

 

6.2. Hoạt động nuôi dưỡng Thân – Tâm – Trí

Ở Yên Tử có đầy đủ các hoạt động để nuôi dưỡng Thân – Tâm – Trí. Từ các lớp học thiền (thiền chuông, thiền buông thư, thiền vẽ tranh mandala) cho đến trải nghiệm spa. 

Các bạn có thể sử dụng dịch vụ ngâm chân thảo dược trong lúc xem chương trình đêm hội làng (mình sẽ nói về chương trình này ở phần tiếp theo). 

 

tĩnh lặng ở yên tử
Yên Tử là nơi để con người ta tĩnh lặng tìm về bản tâm chân thật của chính mình

6.3. Hoạt động văn hóa dân gian

Bên khu vực Làng Nương có đủ các hoạt động dân gian cho khách trải nghiệm như làm chuồn chuồn tre, tô tranh đông hồ, biểu diễn nhạc cụ dân gian. 

Tinh túy nhất là hoạt động đêm hội Làng Nương, với những trò chơi, điệu múa dân gian và câu chuyện về Yên Tử được khéo léo lồng ghép.

 

LƯU Ý

  • Một số hoạt động ở trong khu du lịch sẽ mất phí (và sẽ có các hoạt động miễn phí). Các bạn có thể xem thông tin về các hoạt động tại đây.

 



 


7. Lịch trình du lịch Yên Tử

Để cảm nhận được hết vẻ an yên của miền non thiêng Yên Tử, các bạn nên dành 3 ngày 2 đêm (không ít mà cũng không nhiều hơn, ít hơn thì không cảm nhận được gì, mà nhiều hơn thì lại không có gì chơi). 

Với cả đi đến Yên Tử là phải đi tản bộ, thong dong chậm rãi, chứ không phải đi “hùng hục”, nên 3 ngày 2 đêm là hợp lý nhất. Các bạn có thể tham khảo lịch trình du lịch Yên Tử 3N2D của Chibikiu nhé (lịch trình này phù hợp với các bạn tự lái xe): 

Ngày 1: Di chuyển từ Hà Nội – Yên Tử. Ăn trưa tại nhà hàng Thọ Quang sau đó nhận phòng. Nghỉ ngơi thăm quan quanh khu Legacy Yên Tử và Làng Nương.

Ăn tối bên Nhà hàng Cơm Quê và thưởng thức chương trình đêm hội làng. 

Ngày 2: Sáng sớm lên núi. Buổi chiều về nghỉ ngơi. Ăn tối tại nhà hàng Mai Chi. Sau đó về sử dụng dịch vụ Spa. 

Ngày 3: Sáng dậy sớm tham gia lớp học yoga. Ăn sáng và thuê xe đạp đi quanh khu du lịch Yên Tử. Sau đó trả phòng. 

 

trải nghiêm yên tử

 


8. Kinh nghiệm ăn uống du lịch Yên Tử

8.1. Các nhà hàng tại khu du lich Yên Tử

Ở trong khu du lịch Yên Tử sẽ có các nhà hàng từ bình dân đến cao cấp, trong đó có 4 nhà hàng. Mình sẽ nói qua về các nhà hàng như sau:

Nhà hàng Thọ Quang: Nhà hàng sang trọng thuộc khách sạn Legacy Yên Tử – MGallery, phục vụ các món Âu và Á. Bên trong nhà hàng có bức tranh Đám cưới Chuột. Thường vào các dịp đặc biệt, nhà hàng hay có các chương trình buffet với món 

Nhà hàng Cơm Quê: Đây là nhà hàng mình thích nhất tại khu du lịch Yên Tử. Vì nhà hàng mô phỏng gian nhà Bắc Bộ cổ, và các món ở đây khá ngon.

Nhà hàng Ven Suối: Đúng như tên gọi, nhà hàng này nằm ven suối. Điểm nổi bật của nhà hàng là có không gian ngồi ngoài trời, nhìn ra suối. Cũng vì thế mà nhà hàng này có khá nhiều vị khách không mời quấy rầy khi bạn dùng bữa (côn trùng). Nhà hàng này có phục vụ các món ăn chay, nhưng mà mình thấy nó rất chán. 

Nhà hàng Tùng Lâm: Nhà hàng có thiết kế giống các gian nhà sàn, chuyên phục vụ các món thực dưỡng. 

Nếu các bạn không muốn ăn trong khu du lịch Yên Tử, có thể đi xe ra xung quanh khu vực Nam Mẫu ăn. Ở quanh đây có nhiều nhà hàng, nhưng mà theo con em thổ địa của mình thì nhà hàng Mai ChiThái Huyền là ăn được hơn cả. 

 

8.2. Các đặc sản tại Yên Tử

Vùng đất Yên Tử không chỉ nổi tiếng với cảnh đẹp tựa chốn bồng lai, mà còn có các đặc sản mang đậm hương vị địa phương, gồm có: 

Măng Trúc: Nói đến đặc sản Yên Tử, không thể không nói đến măng trúc. Măng trúc Yên Tử nổi tiếng thon nhỏ nhưng rất chắc, mang trong mình hương vị tươi mát của núi rừng. Tương truyền rằng loại măng này thuở xưa là nguồn thực phẩm chính của các tu sĩ tại thiền viện Trúc Lâm Yên Tử. 

Chè Lam: Du khách sẽ cảm nhận được vị dẻo dai thơm lừng của bột nếp, vị mật ngọt lan dần trong miệng, thêm chút cay cay của gừng và chút béo bùi của lạc. 

Rượu Mơ: Và một đặc sản mà khỏi phải bàn cãi về độ “danh bất hư truyền” đó chính là rượu mơ Yên Tử. Rượu mơ Yên Tử thơm vị mơ, uống vào không bị đau đầu. 

 

đặc sản yên tử

 


9. Chi phí du lịch Yên Tử

Nếu xuất phát từ Hà Nội, Hạ Long hay Yên Tử thì chi phí du lịch Yên Tử khá phải chăng. Còn nếu đi từ các tình thuộc miền Trung hay miền Nam, sẽ tốn thêm tiền vé máy bay. 

Các bạn có thể tham khảo bảng du lịch chi phí du lịch Yên Tử của Chibikiu ở dưới đây (lưu ý đây là bảng chi phí trong trường hợp ở Hà Nội và tự lái xe lên Yên Tử)

DI CHUYỂN 0 * Bọn mình tự lái xe
LƯU TRÚ
2 đêm tại Legacy Yên Tử 2,800,000 VND * Giá cho 1 người
TRẢI NGHIỆM
Cáp treo (khứ hồi) 280,000 VND * Giá cho 1 người
Cưỡi ngựa 150,000 VND * Giá cho 1 người
Ngâm chân thảo dược 100,000 VND * Giá cho 1 người
ĂN UỐNG 1,200,000 VND * Giá cho 1 người
TỔNG  4,530,000 VND

 


10. Lưu ý khi đi Yên Tử

10.1. Mặc gì khi đi Yên Tử

Yên Tử là địa điểm linh thiêng, cho nên các bạn cần chú ý cách ăn mặc. Không nên ăn mặc quá hở hang hay phản cảm. 

Nên mặc các trang phục có màu sắc nền nã hoặc các trang phục truyền thống sẽ phù hợp với không gian nơi đây.Và lựa chọn phù hợp nhất đó chính là cổ phục hoặc áo dài, vừa ý tứ vừa hợp với khung cảnh cổ kính ở Yên Tử.  

Nếu không kịp chuẩn bị trước đồ, thì ở Yên Tử cũng có shop cho thuê cổ phục. Các bạn có nhu cầu có thể qua đây thuê đồ nhé. 

 

10.2. Lưu ý khi đi Yên Tử 

Yên Tử là một địa điểm linh thiêng, các bạn nên dành cho địa danh này một sự tôn trọng. Ngoài việc ăn mặc ra, nên chú ý lời ăn tiếng nói, các hành động và cử chỉ đúng mực. Và đặc biệt là tránh xả rác bừa bãi ảnh hưởng đến môi trường và hệ sinh thái. 

 

cổ phục yên tử
Phong cảnh và kiến trúc ở Yên Tử rất thích hợp để chụp ảnh cổ phục

 



 


11. Tổng kết

Yên Tử đích thị là một điểm đến cho vạn trải nghiệm khám phá. Đến với Yên Tử như một hành trình được trở về với bản tâm chân thật của chính mình

Hy vọng sau bài blog trên đây, các bạn đã có thêm kinh nghiệm để tự lên lịch trình cho chuyến du lịch Yên Tử. 

Nếu cần thêm thông tin, có thể tham khảo các bài viết khác trong series Yên Tử dưới đây: 

Nếu thấy bài viết trên đây có ích, các bạn có thể giúp mình duy trì blog bằng cách nhấn vào link dưới đây nhé:

 

– TỔNG HỢP WEBSITE CẦN THIẾT KHI ĐI DU LỊCH –

error: Content is protected !!