Sở hữu mạng lưới đường bay toàn cầu kết nối Trung Quốc với nhiều điểm đến, China Southern Airlines là lựa chọn hàng đầu cho hành trình khám phá các điểm đến trong mơ. Tuy nhiên, các hãng hàng không Trung Quốc lại không được tin dùng như các hãng hàng không nổi tiếng quốc tế như Emirates, Qatar Airways hay Air France. Vậy trải nghiệm chuyến bay của hãng hàng không China Southern Airlines sẽ như thế nào, có khác gì so với các hãng hàng không nổi tiếng quốc tế không? Blog sau đây Chibikiu sẽ Review hãng China Southern Airlines.
![review china southern airlines](http://www.chibikiu.com/wp-content/uploads/2025/01/review-china-southern-airlines-1440x960.jpg)
Table of Contents
1. Giới thiệu hãng hàng không China Southern Airlines
China Southern Airlines là một hãng hàng không chủ chốt của Trung Quốc có trụ sở tại Quảng Châu, Trung Quốc. ngang hàng với Air China, China Eastern Airlines.
Thành lập năm 1988, trải qua quá trình phát triển gần 40 năm, China Southern Airlines hiện tại khai thác 2000 đường bay, tới 200 địa điểm trên toàn thế giới. Và tự hào là hãng hàng không có số lượng tàu bay lớn nhất Châu Á và đúng thứ 6 trong danh sách những hãng hàng không vận chuyển nhiều hàng khách nhất trên thế giới.
CHINA SOUTHERN AIRLINES
|
2. Kinh nghiệm mua vé hãng China Southern Airlines
Để mua vé China Southern Airlines, các bạn nên mua qua Đại lý hoặc Trip.com. Lý do vì sao mình khuyên mọi không mua vé trực tiếp trên web là do việc mua vé trực tiếp trên trang của China Southern Airlines không thực sự thuận tiện cho người Việt Nam.
Thường khi mà nhập hết thông tin thẻ tín dụng xong xuôi bấm thanh toán thì hệ thống sẽ báo lỗi. Và rất nhiều người bị như vậy (và mình cũng không rõ nguyên nhân tại sao). Phần dịch vụ hỗ trợ khách hàng của China Southern Airlines khá chán, nhân viên tiếng Anh cũng không tốt.
Và nên đặt vé trên Trip.com. Trip.com là nền tảng do người Trung Quốc phát triển nên sẽ tương thích với các hãng hàng không của Trung Quốc. Và cái quan trọng thường là giá rẻ hơn là mua trực tiếp với hãng. Bạn có thể mua vé trên các ứng dụng đặt vé khác như mytrip, eDreams hay Traveloka, nhưng nên sử dụng các nền tảng do người Trung Quốc sáng lập với các hãng hàng không của Trung.
Một lựa chọn khác là đặt vé qua đại lý. Giá đặt qua đại lý sẽ cao hơn đặt trên ứng dụng. Tuy nhiên đại lý sẽ hỗ trợ khách hàng khi có vấn đề xảy ra (như đổi vé, đổi chuyến hoặc mua hành lý).
Nếu cẩn thêm thông tin cụ thể, các bạn có thể liên hệ văn phòng đại diện của China Southern Airlines theo thông tin dưới đây:
Văn phòng Hà Nội:
Văn phòng TP. Hồ Chí Minh:
|
![mua vé china southern airlines](http://www.chibikiu.com/wp-content/uploads/2025/01/review-china-southern-airlines-7-1440x777.jpg)
3. Trải nghiệm dịch vụ hãng hàng không China Southern Airlines
Mình đã có cơ hội bay với China Southern Airlines trong chuyến bay đường dài và chuyến bay ngắn. Và mình sẽ chia sẻ một chút về trải nghiệm dịch vụ của China Southern Airlines.
3.1. Tiện ích trên chuyến bay
Phần ghế ngồi của China Southern Airlines mình không có nhận xét gì vì nó giống như các hãng khác (cũng từ cùng một khuôn mà ra).
Phần giải trí trên các chuyến bay đường dài siêu chán, chủ yếu là nhạc và phim Trung. Nhưng mà nhạc với phim hay thì không nói làm gì, đằng này nó siêu chán. Mình là một người thích nhạc Trung, nhưng thực không thể nghe được bài nào.
3.2. Đồ ăn trên chuyến bay
Lúc đầu mình nghĩ đi hãng Trung Quốc đồ ăn sẽ dễ ăn hơn các hãng khác của Trung Đông, nhưng không hề. Đồ ăn của China Southern Airlines cũng dở không kém.
Với các chuyến bay có phục vụ đồ ăn. Đặc điểm chung là các suất ăn có khẩu phần thịt ít hơn hẳn cơm, mì hay rau, củ. Và họ dùng các loại gia vị để che đậy đi “sự ít” này.
Còn chuyến bay ngắn, được ăn đúng một miếng bay mì kẹp jambon (chỉ có đùng một miếng jambon, và không hề có rau, bơ hay phô mai gì cả).
3.3. Tiếp viên
Điều ấn tượng duy nhất của mình với tiếp viên của hãng China Southern Airlines là các bạn ấy khá xinh. Xinh đúng kiểu các hot girl trên douyin với dáng cao gầy, mắt to, mi cong dài, mũi cao, môi trái tim. Trong chuyến bay đi Paris, mình còn gặp một bạn tiếp viên nhìn như Cổ Lực Na Trát (thực sự lúc đó đang buồn ngủ còn tưởng mình nằm mơ gặp Cổ Lực Na Trát không đó).
Còn điểm trừ là tiếng Anh của các bạn ấy hơi í ẹ, phát âm đến khách còn không hiểu (vì các bạn ấy chỉ phục khách Trung là chủ yếu).
3.4. Các vật dụng
Trên các chuyến bay dài sẽ có chăn, tai nghe, gối tựa lưng và đặc biệt sẽ có thêm một bộ đồ vệ sinh cá nhân mini (có bàn chải, kem đánh răng, lược, xà phòng). Cá nhân mình rất ưng bộ dụng cụ này, vì nó thể hiện là hãng quan tâm đến nhu cầu của khách phải đi chuyến bay dài. Và không phải hãng nào cũng sẵn sàng cho khách một bộ kits như này, mà sẽ phải xin tiếp viên.
4. Hướng dẫn transit tại Sân bay Bạch Vân – Quảng Châu
4.1. Transit tại Trung Quốc có cần xin visa
Trong trường hợp bạn quá cảnh tại Trung Quốc, mà không ra khỏi khu vực xuất cảnh tại sân bay sẽ không cần thiết phải xin visa. Còn trong trường hợp chuyến bay của bạn tạm dừng tại Trung Quốc với khoảng thời gian dài (từ 24 tiếng trở lên), hoặc bạn muốn rời khu vực quá cảnh quy định để ra ngoài tham quan, bạn bắt buộc phải xin visa quá cảnh (visa diện G).
Visa diện G có thời hạn 24 tiếng, 72 tiếng và 144 tiếng, bạn có thể lựa chọn dựa trên lịch trình thực tế. Với tính chất quá cảnh và thời hạn ngắn, thủ tục làm visa loại này cũng không phức tạp. Chi tiết về hồ sơ xin visa quá cảnh bạn có thể tham khảo tại link sau.
4.2. Trải nghiệm transit tại Sân Bay Bạch Vân
Sân bay Bạch Vân thực sự một trong những sân bay chán nhất mình từng transit. Vừa đông đúc, tiện nghi kém hiện đại, lại chả có cái dịch vụ gì ra hồn.
Khi xuống sân bay, các bạn đi theo bảng chỉ dẫn để đến khu vực transit. Đầu tiên sẽ đi qua khu vực kiểm vé, nhân viên sẽ xem vé của bạn đúng là transit không và đóng dấu vào vé.
Sau đó là khu vực kiểm tra an ninh. Cá nhận mình thấy khu vực transit này mình bị đông đúc và khá ầm ĩ. Các bạn nhân viên ở đây có vẻ bận, khi làm việc nói tiếng Trung với nhau và nói khá to như không có khách ở đó vậy. Một điểm cần lưu ý là khu vực này kiểm tra rất kỹ, họ sẽ xem kỹ từng món đồ điện tử hay khả nghi một.
Sau khi ra khỏi khu vực này bạn sẽ vào khu vực phòng chờ lên máy bay. Thực sự là các dịch vụ ăn uống, mua sắm ở đây thực sự chán. Được cái khu vực ghế chờ có nhiều ổ cắm (cách mấy ghế lại có một ổ cắm nên thực sự tiện).
Nói về wifi tại sân bay Bạch Vân. Muốn dùng wifi thì không có sẵn, phải dùng hộ chiếu hoặc vé máy bay quét mã từ máy mới có mật khẩu để dùng wifi. Do bên Trung Quốc chặn Google, Facebook, các bạn không thể dùng các ứng dụng này.
5. Review hãng China Southern Airlines
5.1. Review hãng China Southern Airlines
ƯU ĐIỂM
– Giá rẻ so với mặt bằng chung (mình mua vé đi Châu Âu khứ hồi có 15 triệu, và mình thực sự shock với mức giá này – nó rẻ hơn một nửa so với hãng khác).
– Khai thác nhiều đường bay, đến các điểm du lịch nổi tiếng ở Trung Quốc và trên thế giới.
– Tiếp viên xinh, đúng kiểu các hot girl trên douyin (mắt to, mi cong dài, mũi cao, môi trái tim).
NHƯỢC ĐIỂM
– Sân bay Bạch Vân – điểm transit của hãng có quá ít tiện ích, và tiện nghi thì kém hiện đại. Và ở Trung Quốc không thể truy cập được Google, Facebook hay Instagram – một điểm trừ khá lớn vì sẽ không liên lạc được với mọi người trong trường hợp cần thiết.
– Tiếp viên tiếng Anh hơi kém (vì chỉ chuyên phục vụ khách Trung Quốc).
– Đồ ăn thảm họa (không những khẩu phần thịt ít, mà vị rất kiểu họa hình, nhiều sốt và gia vị để che đi).
ĐÁNH GIÁ: 6/10 |
5.2. So Sánh China Southern Airlines với China Eastern Airlines & Air China
Để các bạn hiểu rõ hơn về China Southern Airlines mình sẽ so sánh hãng này với các hãng hàng không nổi tiếng khác của Trung Quốc, đó là China Eastern Airlines & Air China. Mình sẽ đánh giá trên 3 tiêu chí:
- Đường bay & Điểm đến
- Dịch vụ trên chuyến bay
- Sân bay transit
- Giá vé
Đầu tiên, China Southern Airlines khai thác nhiều đường bay và có nhiều điểm đến hơn so với các hãng China Eastern Airlines hay Air China. Và giờ bay của China Southern Airlines tốt hơn giờ bay giờ bay của China Eastern Airlines.
Như chuyến bay Hà Nội – Paris của China Southern Airlines, chuyến đi từ Hà Nội khởi hành lúc 5:50 chiều, transit 3 tiếng tại Quảng Châu và đến Paris lúc 6:40 sáng. Vậy là bạn sẽ có full một ngày tại Paris luôn.
Với hành trình này của China Eastern Airlines sẽ khởi hành lúc 02:00 giờ sáng tại Hà Nội (bạn sẽ phải ra sân bay buổi đêm), transit 6 tiếng tại Thượng Hải (mà cái giờ này cũng ko ra ngoài chơi được), đến Paris là buổi tối – vậy là mất nguyên một ngày. Còn Air China, sẽ phải transit 2 lần ở Thâm Quyến và Bắc Kinh, trước khi bay đến Paris.
Thứ 2 là về dịch vụ trên chuyến bay. Mình có đọc review thì dịch vụ 3 hãng này như nhau. Đặc biệt đồ ăn của 3 đều chán như nhau.
Thứ 3 là sân bay transit. China Southern Airlines sẽ transit tại sân bay Bạch Vân – Quảng Châu, còn China Southern Airlines là sân bay Pudong – Thượng Hải, Air China là sân bay Beijing Capital & sân bay Thâm Quyến. Sân bay Bạch Vân vừa cũ vừa ít tiện ích, không bằng sân bay phố Đông – Thượng Hải hay sân bay Bắc Kinh. Cho nên đây sẽ là một điểm trừ lớn của China Southern Airlines.
Cuối cùng là về giá cả, trong 3 hãng của Trung Quốc này, China Eastern Airlines có giá vé rẻ vô địch. Vâng bay khứ hồi Hà Nội – Paris có hơn 14 triệu. China Southern Airlines & Air China giá có nhỉnh hơn một chút, nhưng mà không có nhiều vé rẻ, phải canh mua.
Tóm lại nếu bạn quan tâm nhiều về giá thì China Eastern Airlines sẽ là lựa chọn tốt nhất, còn nếu tính đến các chặng bay và giờ bay phù hợp thì China Southern lại có phần nhỉnh hơn.
5.3. So Sánh China Southern Airlines với Qatar Airways
Nhiều người sẽ buồn cười vì nghĩ sao lại đi so cái hãng Trung Quốc với hãng hàng không 5 sao nổi tiếng. Hai hãng này thì có gì liên quan. Câu trả lời là có, hai hãng cùng khai thác chuyến bay đường dài đến Châu Âu.
Nếu so China Southern Airlines với Qatar Airways, thì mình vẫn thấy dịch vụ của China Southern Airlines vẫn tốt hơn. Qatar thì mình thấy chỉ trên danh nghĩa là dịch vụ tốt, chứ họ không quan tâm đến nhu cầu khách (có chăng chỉ là khách hạng thương gia).
Điển hỉnh là về dụng cụ vệ sinh phát cho khách. Trên chuyến bay dài của Qatar Airways không hề có dụng cụ vệ sinh cá nhân. Mình tưởng là nếu hỏi tiếp viên hàng không sẽ cho nhưng khi hỏi thì họ bảo là không có luôn. Thực sự phải quan tâm đến khách hàng thì mới có bộ dụng cụ này.
Và khách Trung còn dễ chịu chán so với khách Trung Đông (ít nhất là không có mấy vụ đòi quỳ cầu nguyện khi máy bay chuẩn bị cất hạ cánh, hay tự dưng bị hoảng sợ khi bay). Cái mà Qatar Airways hơn China Southern chắc là sân bay Doha to đẹp, hoành tráng và có nhiều tiện ích hơn.
Cho nên với các chuyến bay đường dài (đến Châu Âu) mình vẫn sẽ chọn China Southern Airlines.
LƯU Ý:
|
6. Tổng kết: Review China Southern Airlines
6.1. Tips tìm kiếm và đặt vé máy bay giá rẻ
– Đăng ký newsletter và tham gia chương trình khách hàng thân thiết của các hãng hàng không để được cập nhật và hưởng các ưu đãi.
– Sử dụng các ứng dụng như Skyscanner, Trip.com… để tìm kiếm và so sánh vé máy bay trước khi đặt vé. Chi tiết so sánh và review các ứng dụng, các bạn có thể tham khảo tại link sau.
6.2. Tổng kết
Với mạng lưới rộng khắp trên toàn thế giới, China Southern Airlines xứng đáng là lựa chọn đưa bạn đến những điểm đến trong mơ. Hy vọng bài viết trên đây của Chibikiu sẽ giúp các bạn đưa ra lựa chọn cho riêng mình.
Nếu cần thêm thông tin, các bạn có thể tham khảo các bài viết khác trong series Review sân bay và các hãng hàng không dưới đây:
- Kinh nghiệm đặt vé & Review hãng hãng không Qatar Airways
- Review Sân Bay Suvarnabhumi Thái Lan
- Review Sân Bay Doha Qatar
Nếu thấy bài viết trên đây có ích, các bạn có thể giúp mình duy trì blog bằng cách nhấn vào link dưới đây nhé:
– TỔNG HỢP WEBSITE CẦN THIẾT KHI ĐI DU LỊCH –
|