Review Tập đoàn Accor – Các thương hiệu và khách sạn tại Việt Nam

Một trong những tên tuổi hàng đầu trong ngành khách sạn & resort, đó chính là tập đoàn Accor. Với đa dạng các thương hiệu cùng mạng lưới khách sạn & resort phủ sóng khắp thế giới, cũng như ở Việt Nam, Accor luôn là lựa chọn hàng đầu cho các chuyến nghỉ dưỡng hay công tác, Trong bài viết sau đây Chibikiu sẽ Giới thiệu tập đoàn Accor, cũng như chia sẻ về các thương hiệu và các khách sạn thuộc tập đoàn Accor tại Việt Nam.  

tập đoàn Accor
Review tập đoàn Accor – Giới thiệu các thương hiệu và các khách sạn thuộc tập đoàn Accor tại Việt Nam.  

 


1. Giới thiệu về tập đoàn quản lý khách sạn Accor

Trước khi review về tập đoàn Accor mình sẽ giới thiệu qua một chút về tập đoàn quản lý khách sạn này:

  • Tập đoàn Accor là gì? Tập đoàn Accor của nước nào?
  • Lịch sử tập đoàn Accor

 

1.1. Tập đoàn Accor là gì? Tập đoàn Accor của nước nào?

Accor là một tập đoàn kinh doanh khách sạn của Pháp, có trụ sở tại Paris, tập đoàn sở hữu và quyền hoạt động của 5445 khách sạn tại 110 quốc gia, trên khắp 5 châu lục. Từ Accor bắt nguồn từ “accord” nghĩa là “hiệp ước” trong tiếng Pháp. 

Accor sở hữu một bộ sưu tập các thương hiệu khách sạn từ bình dân đến cao cấp. Các thương hiệu nổi bật gồm có Sofitel, MGallery, Pullman, Mercure, Novotel (và tất cả các thương hiệu này đều đã có mặt tại Việt Nam). 

Ngoài các thương hiệu khách sạn, Accor còn sử hữu các công ty chuyên về digital marketing cho ngành khách sạn và tổ chức sự kiện, như onefinestay, D-Edge, ResDiary, John Paul, Potel & Chabot và Wojo. 

 

Tập đoàn Accor

 

1.2. Lịch sử tập đoàn Accor 

Hành trình của Accor bắt đầu bởi được Paul Dubrule and Gérard Pélisson, khi họ mở tập đoàn hospitality group Société d’investissement et d’exploitation hôteliers (viết tắt là SIEH) và khai trương khách sạn Novotel đầu tiên trên thế giới vào năm 1967 ở Lille, Pháp. 

Vào năm 1983, Novotel-SIEH mua lại và sáp nhập với Jacques Borel International và tạo nên tập đoàn Accor từ đây, và được niêm yết trên thị trường chứng khoán Pháp cùng năm. 

Trải qua gần 60 năm hoạt động, Accor đã trở thành một trong những tập đoàn quản lý khách sạn lớn nhất trên thế giới và đang không ngừng mở rộng quy mô trên toàn thế giới. 

 

lịch sử tập đoàn accor
Hành trình của Accor bắt đầu bởi được Paul Dubrule and Gérard Pélisson…

 



 


2. Các thương hiệu của tập đoàn Accor

Là một trong những tập đoàn quản lý khách sạn lớn nhất trên thế giới, Accor sở hữu số lượng lớn các thương hiệu từ bình dân đến cao cấp. 

Dưới đây là danh sách các thương hiệu thuộc tập đoàn Accor: 

  • Sang trọng: Raffles, Orient Express, Faena, Banyan Tree, Sofitel Legend, Fairmont, Emblems Collection, Sofitel, MGallery, Rixos, onefinestay 
  • Cao cấp: Mantis, Art Series, Pullman, Swissotel, Angsana, Movenpick, Grand Mercure, Peppers, The Sebel, Adagio, Thalassa. 
  • Midscale: Aparthotel Adagio, Mama Shelter, Mantra, Mercure, Novotel, Tribe
  • Economy: Breakfree, ibis, ibisstyles, ibisbudget, hotel F1, 
  • Lifestyle: Delano, SLS, SO/, Mondrian, Plc Museum Hotel, 25h, Tribe, Jo&Joe, The Hoxton. 

 

LƯU Ý

  • Các thương hiệu sẽ luôn được cập nhật thường xuyên, để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Ví dụ như thương hiệu MGallery trước năm 2022 chỉ nằm trong nhóm Premium (Cao cấp), nhưng sau đó đã được cân nhắc lên dòng Sang trọng

 

các thương hiệu của tập đoàn Accor
Các thương hiệu của tập đoàn Accor

 


3. Các khách sạn thuộc tập đoàn Accor tại Việt Nam

Tập đoàn Accor có mạng lưới các khách sạn rộng khắp trên thế giới, cũng như tại Việt Nam. Hầu như ở các thành phố lớn và các điểm du lịch nổi tiếng ở Việt Nam đều có các khách sạn và resort thuộc tập đoàn Accor. 

Các bạn có thể xem danh sách các khách sạn thuộc tập đoàn Accor tại Việt Nam dưới đây (lưu ý là danh sách này sẽ còn tăng lên trong tương lai)

Hà Nội: Sofitel Legend Metropole. Grand Mercure Hanoi, Pullman Hanoi, Movenpick Hotel Hanoi, Movenpick Living West Hanoi, Hotel de l’opera Hanoi, Mercure Hanoi la Gare, Novotel Hanoi Thai Ha, Novotel Suites Hanoi, 

Hải Phòng: Mercure Hai Phong, Hôtel Perle d’Orient Cat Ba

Hạ Long: Novotel Hạ Long Bay

Uông Bí: Legacy Yên Tử – MGallery

Sapa: Hotel de la Coupole – MGallery

Huế: Banyan Tree Lăng Cô, Angsana Lăng Cô

Hội An: Hotel Royal Hoi An – MGallery

Nha Trang: Novotel Nha Trang, ibis Styles Nha Trang, Movenpick Resort Cam Ranh
Đà Lạt: Mercure Dalat Resort

Phan Thiết: Mövenpick Resort Phan Thiet

Hồ Chí Minh: Sofitel Saigon Plaza, Hotel Des Arts Saigon – Mgallery, Novotel Saigon Centre, Novotel Living Saigon South, Pullman Saigon Centre, ibis Saigon South, ibis Saigon Airport.

Vũng Tàu: Pullman Vũng Tàu

Phú Quốc: La Veranda Resort Phú Quốc, Movenpick Resort Waverly Phú Quốc,Movenpick Villas & Residences Phu Quoc, Pullman Phú Quốc Beach Resort, Novotel Phú Quốc Resort.

 

các khách sạn thuộc tập đoàn accor tại Việt Nam
Sofitel Legend Metropole là khách sạn đầu tiên tại Việt Nam của Accor

 


4. Chương trình khách hàng thân thiết của Accor

Sự xuất hiện và mở rộng của các thương hiệu khách sạn khiến cho thị trường du lịch nghỉ dưỡng ngày càng cạnh tranh. Và các thương hiệu khách sạn đều sẽ áp dụng các chiến lược kinh doanh để thu hút khách hàng, một trong số đó là các chương trình khách hàng thân thiết. 

Khi đã trở thành khách hàng thân thiết, bạn sẽ được hưởng thêm nhiều ưu đãi trong mỗi lần nghỉ dưỡng (được giảm giá khi dùng bữa tại nhà hàng, được nhận phòng sớm – trả phòng muộn, được chào mừng).  

Khác với các tập đoàn quản lý khách sạn khác, tập đoàn Accor có tận 2 chương trình khách hàng thân thiết là Accor Live Limitless (ALL)Accor Plus. Mình sẽ nói rõ thêm về hai chương trình này ở dưới đây:

 

4.1. Accor Live Limitless (ALL)

ALL – Accor Live Limitless là chương trình khách hàng thân thiết toàn cầu của Accor, cho phép các hội viên tiếp cận nhiều lợi ích và trải nghiệm độc đáo. Tham gia chương trình này là miễn phí, và bất kỳ ai cũng có thể tham gia. 

Bạn có thể tích Điểm xét hạng và Điểm thưởng trên mỗi đô la chi tiêu cho những lần lưu trú hợp lệ toàn cầu.

Có tất cả 5 hạng thành viên ALL Accor: Classic, Silver, Gold, Platinum, Diamond. Về chi tiết về quyền lợi của các hạng thành viên các bạn có thể xem tại đây hoặc xem ảnh dưới đây. 

chương trình ALL Accor
Các hạng thành viên của ALL Accor

 

Các hạng thành viên ALL Accor
Quyền lợi của các hạng thành viên ALL Accor

 



 

4.2. Accor Plus 

Khác với ALL, Accor Plus, là chương trình hội viên có phí hàng năm, giúp hội viên trải nghiệm du lịch, ẩm thực trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương. 

Quyền lợi của hội viên Accor Plus bao gồm:

  • Giá phòng dành cho Hội viên giảm 10% so với giá phòng tốt nhất sẵn có tại hơn 1.000 khách sạn Accor tham gia ở Châu Á Thái Bình Dương
  • Đêm nghỉ miễn phí Stay Plus hàng năm (tùy thuộc vào loại hình tư cách hội viên)
  • Ưu đãi giá phòng dành riêng hội viên giảm tới 50%
  • Giảm lên đến 50% hóa đơn ăn tại hơn 1.400 nhà hàng của khách sạn Accor tham gia
  • Giảm 15% cho đồ uống tại Châu Á

 

LƯU Ý

  • Hội viên Accor Plus sẽ được tự động đăng ký vào ALL, với hạng thẻ tối thiểu là Elite Silver. Với hạng thành viên này, sẽ được ưu tiên nhận phòng, đồ uống chào mừng và trả phòng muộn theo yêu cầu. Các bạn cần nắm rõ hạng thành viên của mình để không bị sót bất kỳ quyền lợi nào.
  • Vì nhân viên bán thẻ Accor Plus (hay lễ tân khách sạn) đều sẽ có hoa hồng, cho nên họ sẽ mời chào bạn mua thẻ này. Điển hình như các bạn nhân viên bên Accor Plus sẽ gọi điện rất nhiều mời bạn mua thẻ. Và mình cảm thấy điều này rất là phiền phức

 

chương trình accor plus

 


5. Làm việc tại tập đoàn Accor

Do sự mở rộng và phát triển “quá nhanh” tại thị trường Việt Nam, mà các khách sạn thuộc tập đoàn Accor có nhu cầu tuyển dụng rất lớn. Nhưng cũng vì việc mở rộng nhanh, mà chất lượng của công tác nhân sự cũng chưa thực sự đảm bảo.

Cái này là từ kinh nghiệm cá nhân khi làm việc của mình. Nơi mình làm việc sẽ không khuyến khích nhân viên lâu năm, mà sẽ chỉ chăm chăm đi tuyển người mới về. Mà người mới về chưa chắc đã được như người cũ. Tỷ lệ turnover của nhân sự cao phần nào phản ánh về môi trường làm việc cũng như chế độ và quyền lợi của nhân viên. 

Và một điều nữa mình thấy không hề ổn, đó là nhiều chế độ của nhân viên bị cắt đi. Thường thì khi là nhân viên chính thức của tập đoàn Accor sẽ được phát thẻ nhân viên (thẻ cứng). Thẻ cứng này sẽ đóng vai trò để thể hiện người sở hữu là nhân viên của Accor, và sẽ được các ưu đãi khi sử dụng các dịch vụ của tập đoàn. Nhưng nhiều khách sạn ở Việt Nam để tiết kiệm chi phí sẽ không làm thẻ này cho nhân viên.  

Trên đây chỉ là một trong số ít điều mà mình chưa thực sự hài lòng về tập đoàn Accor. Và còn rất nhiều điều nữa mà mình thấy rằng môi trường làm việc của Accor không thực sự tốt. 

 


6. Review Tập đoàn quản lý khách sạn Accor

6.1. Review Tập đoàn quản lý khách sạn Accor

ƯU ĐIỂM

– Đa dạng các thương hiệu từ bình dân cho đến cao cấp 

– Có số lượng khách sạn & resort lớn ở trên thế giới, cũng như Việt Nam 

– Có nhiều ưu đãi dành riêng cho thành viên

NHƯỢC ĐIỂM:

– Quyền lợi và chính sách hỗ trợ cho nhân viên còn chưa thực sự tốt 

– Có 2 chương trình khách hàng thân thiết, và sẽ gây nhầm lẫn cho khách hàng. Nhân viên bán thẻ Accor Plus gọi điện tư vấn thẻ RẤT NHIỀU (và thực sự là rất phiền)

 

6.2. So sánh Tập đoàn khách sạn Accor & IHG & Marriott

Nếu so sánh giữa 3 tập đoàn Accor và IHG và Marriott, thì theo quan điểm cá nhân mình sẽ chọn tập đoàn IHG.

Vì thứ nhất, IHG không chạy theo KPI cho việc mở rộng ở thị trường Việt Nam, các khách sạn của IHG ở Việt Nam đều là các khách sạn thuộc phân khúc sang trọng (chủ yếu là InterContinental). Việc này sẽ đảm bảo chất lượng và khiến người tiêu dùng nhớ đến hơn là cứ mở rộng ra quá nhiều. 

Và thứ hai, chương trình khách hàng thân thiết của IHG nhiều ưu đãi hơn. Hạng thành viên đầu tiên của IHG đã cho trả phòng muộn đến 2 giờ (cái này thực sự rất lợi) còn ALL thì không.

Và thứ ba, môi trường làm việc tại IHG tốt hơn so với Accor, đặc biệt là về các hoạt động tập thể cho nhân viên. (mà các hoạt động của IHG đã từ 10 năm trước, mà bây giờ Accor vẫn chưa triển khai). Mình đã làm cho 2 tập đoàn này và đây là cảm nhận của riêng mình. 

 

tập đoàn quản lý khách sạn accor

 



 


7. Tổng kết: Giới thiệu Tập đoàn Accor – Các thương hiệu và khách sạn thuộc tập đoàn Accor tại Việt Nam

7.1. Tips cho khách du lịch 

– Đăng ký làm thành viên của các tập đoàn khách sạn lớn để hưởng các ưu đãi cho thành viên.

– Đặt phòng trực tiếp với khách sạn để được giá tốt. Đúng vậy. Vì các khách sạn sẽ muốn tối đa hóa lợi nhuận, mà việc bán phòng qua đại lý lữ hành và OTA sẽ bị mất phí. Cho nên các tập đoàn khách sạn sẽ luôn muốn khách đặt phòng trực tiếp để tối đa hóa lợi nhuận 

 

7.2. Tổng kết

Trên đây là bài viết giới thiệu và review về tập đoàn quản lý khách sạn Accor của mình. Hy vọng sau bài viết này, các bạn đã có thêm một cái nhìn rõ nét về Accor. 

Nếu cần thêm thông tin gì về các tập đoàn khách sạn ở Việt Nam và trên thế giới, các bạn có thể tham khảo các bài viết sau:

Nếu thấy bài viết trên đây có ích, các bạn có thể giúp mình duy trì blog bằng cách nhấn vào link dưới đây nhé:

 

– TỔNG HỢP WEBSITE CẦN THIẾT KHI ĐI DU LỊCH –

error: Content is protected !!