Trọn bộ kinh nghiệm du lịch Châu Âu tự túc

Với những công trình kiến trúc đỉnh cao và thiên nhiên hùng vĩ, đi du lịch Châu Âu luôn là niềm mơ ước của nhiều du khách. Tuy nhiên, việc lên kế hoạch du lịch Châu Âu luôn là vấn đề đau đầu bởi những quy định nhập cảnh chặt chẽ, cũng như giá cả đắt đỏ. Blog sau đây mình sẽ chia sẻ tất tần tật Kinh nghiệm du lịch Châu Âu tự túc

 

kinh nghiệm du lịch châu âu tự túc
Kinh nghiệm du lịch Châu Âu tự túc

 


1. Kinh nghiệm chuẩn bị hồ sơ xin Visa du lịch Châu Âu 

1.1. Visa Schengen là gì 

Khu vực Schengen bao gồm 26 quốc gia thành viên gồm có: Áo, Ba Lan, Bỉ, Bồ Đào Nha, Cộng hòa Séc, Đan Mạch, Đức, Estonia, Hà Lan, Hungary,  Hy Lạp, Iceland, Italia, Latvia, Liechtenstein, Litva, Luxemburg, Malta,  Na Uy, Phần Lan, Pháp, Slovakia, Slovenia, Tây Ban Nha, Thụy Điển và Thụy Sĩ. 

Visa Schengen là một loại visa thần thánh, cho phép bạn có thể du lịch đến 26 quốc gia nới trên. Ngoài ra, khi sở hữu visa Schengen bạn còn có thể nhập cảnh vào một số quốc gia không thuộc khối này như:

  • Thổ Nhĩ Kỳ (xin thêm e-visa)
  • Croatia (visa Schengen loại multiple có thể nhập cảnh)
  • Bulgari, Rumani, Belarus
  • Đài Loan (xin evisa) 

Tuy “thần thánh” là vậy, nhưng đây lại là một trong những loại visa khó nhằn nhất đối với bất kỳ ai. Về chi tiết cách xin visa như sau:

 

du lịch châu âu paris
Paris là 1 trong những điểm đến hàng đầu tại Châu Âu

 

1.2.  Xin visa du lịch Châu Âu nước nào dễ nhất 

Như mình đã nói ở trên, khu vực Schengen gồm 26 quốc gia thành viên. Các bạn có thể apply visa tại LSQ của tất cả các quốc gia nói trên. Tuy nhiên thì không phải, LSQ nào cũng sẽ “hào phóng” duyệt visa nhanh và cho các bạn thời hạn visa dài cả.  

Theo như kinh nghiệm xin visa du lịch Châu Âu của mình, các bạn nên xin visa Schengen tại LSQ Pháp. Vì LSQ cho thời hạn visa dài và thủ tục cũng đơn giản nhất. 

 

1.3. Chuẩn bị hồ sơ xin visa Schengen 

Các bạn nên xin visa 2 tháng trước ngày khởi hành. Hồ sơ xin visa gồm có: 

  1. Hộ chiếu: Còn trang trống và hạn trên 6 tháng 
  2. Tờ khai xin visa Schengen
  3. 2 ảnh 4×6
  4. Bảo hiểm: Có thể mua bảo hiểm y tế du lịch Châu Âu ở các công ty bảo hiểm như Chubb, Prudential,   
  5. Lịch trình: Nên nộp lịch trình sơ cua vì sau khi đậu visa sẽ có nhiều thứ thay đổi. Lưu ý lịch trình không cần quá chi tiết nhưng phải hợp lý (nghĩa là bạn không thể làm lịch trình ở Paris cả 15 ngày trong lịch trình).
  6. Vé máy bay: Đặt vé Thanh toán sau hoặc nhờ đại lý giữ chỗ cho mình. 
  7. Booking phòng ở: Đặt phòng có hủy phòng miễn phí (free cancellation) và trả tiền sau trên booking.com. Trong trường hợp không đậu visa bạn có thể hủy phòng mà không mất tiền (lưu ý hủy phòng trước hạn nhé. 
  8. Chứng minh tài chính: Sao kê tài khoản và nộp sổ tiết kiệm ngân hàng (sổ có hạn mức trên 100 triệu). Các nguồn thu chi phải hợp lý (không phải cứ sát ngày xin visa gửi vào tài khoản một số tiền lớn là được)

Về chi tiết hồ sơ xin visa các bạn có thể xem ảnh dưới đây: 

 

visa schengen du lịch châu âu

 

1.4. Các thông tin trên visa Schengen

Khi nhận được visa về tay, các bạn double check lại các thông tin và cá nhân. Và chú ý các mục sau:

  1. Visa type: Dựa theo mục đích chuyến đi là du lịch, bạn sẽ được nhận hai loại visa type đó là “A” (Dành cho transit) và “C” (Lưu trú ngắn hạn).
  2. Number of entries: Số lần được phép nhập cảnh. Trong visa type C sẽ có 3 loại: single (1 lần), double (2 lần), multiple (nhiều lần).
  3. Validity: Thời hạn visa có hiệu lực
  4. From … to: Thời hạn cụ thể visa có hiệu lực (từ … đến)

 


2. Du lịch Châu Âu nên đi nước nào?

Đây là một câu hỏi rất khó để trả lời? Bởi vì mỗi người lại có một nhu cầu và sở thích khác nhau. Kinh nghiệm du lịch Châu Âu lần đầu là nên đi các nước mình thích (hầu như lần đầu ai cũng sẽ đi Pháp). Còn các lần sau trở đi, có thể đi một số các quốc gia là lạ như Croatia hay Slovenia. 

Sau đây là một số gợi ý cho các bạn:

– Du lịch Châu Âu nước nào có thiên nhiên hùng vĩ: Iceland (Bắc cực quang), Thụy Sĩ (dãy Alps hùng vĩ), Croatia (vườn quốc gia hồ Plitvice)

– Du lịch Châu Âu nước nào rẻ nhất: Ba Lan, Séc, Slovakia

– Du lịch Châu Âu nước nào lạ: Croatia, Slovenia, Estonia

– Du lịch Châu Âu nước nào có nhiều bãi biển đẹp: Croatia, Hy Lạp, Tây Ban Nha

 

du lịch croatia
Croatia là 1 quốc gia đẹp nhưng vẫn còn nhiều người biết đến ở Châu Âu

 



 


3. Du lịch Châu Âu nên đi mùa nào?

3.1. Tổng quan khí hậu Châu Âu

Đại bộ phận Châu Âu có khí hậu ôn đới. Tuy nhiên lại có sự phân hóa giữa khí hậu của các vùng khác nhau. 

  • Phần Tây Âu có khí hậu ấm áp và mưa nhiều.  
  • Phần Nam Âu giáp biển Địa Trung Hải có khí hậu nóng ẩm đặc trưng. 
  • Phần Bắc Âu và Đông Âu có khí hậu ôn đới lục địa với mùa đông lạnh. Một phần nhỏ ở phía Bắc có khí hậu hàn đới

 

mùa xuân châu âu

 

3.2. Du lịch Châu Âu nên đi mùa nào? 

Kinh nghiệm du lịch Châu Âu là nên đi vào các giai đoạn mùa xuân mùa thu. Vì giai đoạn này thời tiết dễ chịu, giá các dịch vụ rẻ hơn và không phải mùa du lịch. 

Tránh du lịch Châu Âu vào mùa hè (tháng 6 – tháng 8) và vào dịp giáng sinh – năm mới (tháng 12). Đây là giai đoạn cao điểm nên giá phòng và các dịch vụ sẽ tăng cao. 

Nếu đi từ Việt Nam sang nên tranh thủ các ngày nghỉ lễ lớn như Tết nguyên đán, 30/4 – 1/5 và 2/9. Vào 3 giai đoạn này cảnh sắc thiên nhiên không có gì đặc sắc, chỉ nên chọn đi các thành phố lớn. 

 

kinh nghiệm đi châu âu
Cảnh sắc mùa thu tại Châu Âu

 


4. Kinh nghiệm lên lịch trình du lịch Châu Âu 

4.1. Lên lịch trình du lịch Châu Âu lúc nào?

Thường mọi người sẽ lên lịch trình trước khi xin visa rồi nộp để xin luôn. Nhưng theo kinh nghiệm xin visa du lịch Châu Âu của mình, lúc xin visa chỉ nên nộp lịch trình “sơ cua” thôi. 

Vì khi xin visa xong, giá vé máy bay, vé tàu hay giá phòng khách sạn và hằm bà lằng đủ thứ sẽ thay đổi nữa. Không nên làm kỹ làm gì rồi lại mất công làm lại. Chính vì vậy, khi mà được cấp visa các bạn mới nên làm lịch trình chi tiết nhé. 

 

lịch trình du lịch châu âu
Sau khi được cấp visa các bạn mới nên làm lịch trình chi tiết nhé

 

4.2. Kinh nghiệm lên lịch trình du lịch Châu Âu 

Một chuyến đi Châu Âu sẽ trong khoảng từ 10 – 20 ngày (sẽ tùy thuộc vào số ngày nghỉ phép của bạn). Tuy nhiên việc lên lịch trình lại không phải dễ dàng gì 

Dưới đây là một số kinh nghiệm lên lịch trình du lịch Châu Âu của mình:

a. Phân công xếp lịch trình: Thường thì các bạn sẽ đi Châu Âu với bạn bè hoặc người thân. Trong trường hợp đi với bạn bè, nên phân ra mỗi người phụ trách làm một phần lịch trình.

Tốt nhất là up file lên Google Drive để mọi người có thể cùng chỉnh sửa. Nên xếp 1 buổi cafe để chốt lịch trình.   

* Ví dụ: Trong chuyến đi Ý, mình sẽ phụ trách phần Rome, còn con em mình sẽ phụ trách Venice. Nếu ai muốn đi thêm điểm nào thì ghi vào trong lịch trình. 

b. Xếp lịch trình các thành phố: Nên dành tối thiểu 3 đêm với các thành phố lớn (như Paris, Rome, London…), 1 đêm với các thành phố nhỏ (Salzburg, Athens…). Các làng bé bé như Hallstatt,

c. Xếp các điểm tham quan: Chỉ nên sắp xếp tối đa 2 điểm trong 1 buổi (nhớ trừ hao thời gian xếp hàng, mua vé và di chuyển).

d. Luôn có phương án B: Phòng trừ trường hợp phương án A không thực hiện được. Ví dụ như hôm mình đi Paris, không lên được Khải Hoàn Môn do có một đoàn khách đặc biệt. Thế là phải chuyển sang Tour Montparnasse.

 

du lịch châu âu tự túc
Luôn luôn có phương án B phòng trừ trường hợp bất trăc

 


5. Kinh nghiệm di chuyển ở Châu Âu 

5.1. Kinh nghiệm di chuyển giữa các địa điểm 

Hệ thống giao thông liên quốc gia ở Châu Âu rất phát triển. Các bạn có thể sử dụng xe buýt, tàu hỏa, phà và máy bay để đi từ quốc gia này sang quốc gia khác.

a. Xe buýt: Là phương tiện rẻ nhất để di chuyển giữa các quốc gia Châu Âu, gồm có một số hãng: Flixbus, Eurolines, Ouibus, Alsa… Trong số này phổ biến nhất là Flixbus.

b. Tàu hỏa: Mạng lưới tàu hỏa Châu Âu rất phát triển. Tuy nhiên đi tàu hỏa sẽ đắt hơn đi bus và có khi đắt hơn cả đi máy bay nữa. Nếu các bạn phải di chuyển nhiều có thể cân nhắc mua Eurail Pass.

c. Máy bay: Các bạn nên hạn chế đi máy bay. Chỉ trong trường hợp hai điểm cách quá xa nhau mới cần sử dụng máy bay, vì những lý do sau:

  • Sân bay tại Châu Âu thường cách xa trung tâm thành phố, mất kha khá phí di chuyển.
  • Các hãng hàng không giá rẻ ở Châu Âu có quy định rất ngặt nghèo về hành lý, check-in 

 

du lịch châu âu
Phà là một phương tiện giao thông phổ biến tại Venice Ý

 

5.2. Kinh nghiệm di chuyển trong thành phố 

Hệ thống giao thông công cộng tại các thành phố lớn ở Châu Âu rất phát triển, các bạn có thể sử dụng nhiều phương tiện như tàu điện ngầm, tram, bus và có khi cả phà (như ở Venice và Istanbul).

Và xác định rằng sẽ phải đi bộ rất nhiều. Nên chuẩn bị một đôi giày thể thao thật tốt để đi bộ không bị đau chân nhé. 

Taxi ở Châu Âu khá đắt, các bạn chỉ nên sử trong 2 trường hợp: đi quãng đường ngắn và phải mang vác nhiều hành lý. Còn nếu ko thực sự cần thiết thì nên đi bộ. 

* LƯU Ý:  

  • Nên mua thẻ Pass ở các thành phố để tiết kiệm chi phí (thẻ này thường bao gồm phương tiện di chuyển và vé một số điểm tham quan). Ví dụ ở Rome sẽ dùng thẻ Roma Pass, Venice sẽ dùng Venezia Unica City Card. 
  • Một số thành phố ở Châu Âu như Budapest cấm các ứng dụng gọi xe như Uber.  

 

đi du lịch châu âu
Nên mua thẻ pass để tiết kiệm chi phí tham quan và di chuyển trong thành phố(Photo: @lucy.truong.44)

 



 


6. Kinh nghiệm đặt phòng du lịch Châu Âu 

6.1. Đặt phòng du lịch Châu Âu như thế nào? 

Giá phòng ở Châu Âu nhìn chung khá cao, nhất là ở những thành phố du lịch nổi tiếng. Nếu các bạn có người quen hay bạn bè tại Châu thì nên xin ở nhờ (sẽ tiết kiệm được kha khá)

Nếu không có thì sẽ rất nan giải để tìm 1 lựa chọn ngon, bổ, rẻ. Các bạn có thể đặt phòng qua booking.com, Agoda hay Airbnb.

Ngoài 3 kênh này, còn có thể tìm các host người Việt tại Châu Âu để được giá tốt. Các bạn có thể vào group Du lịch khám phá Châu Âu hoặc Host – Tìm host Châu Âu để tìm host nhé. 

Kinh nghiệm du lịch Châu Âu là nên đặt phòng gần các điểm du lịch nổi tiếng để tiện cho việc di chuyển. Tránh đặt phòng xa trung tâm, vì đi lại rất mất thời gian. Trung bình các bạn có 3 ngày ở 1 thành phố, nếu di chuyển nhiều thì còn đâu thời gian mà đi chơi nữa. 



Booking.com

 

6.2. Những lưu ý khi đặt phòng du lịch Châu Âu

Sau đây là một số lưu ý khi đặt phòng du lịch Châu Âu: 

  • Đọc review của các khách hàng đã từng ở trước khi đặt phòng
  • Đặt phòng có bao gồm ăn sáng (điều này sẽ giúp các bạn tiết kiệm kha khá chi phí) có dịch vụ giữ đồ miễn phí (để gửi đồ sau trước khi check in và sau khi check out) 
  • Nên thanh toán trước 100% giá phòng để đỡ phải cầm tiền theo
  • Sử dụng code dưới đây để được giảm 46€ cho lần đặt phòng và trải nghiệm đầu tiên trên Airbnb. 

 

đi du lịch châu âu
Các bạn nên đọc các review của các khách khác trước khi đặt phòng nhé

 


7. Chi phí du lịch Châu Âu tự túc 

7.1. Chi phí du lịch Châu Âu tự túc 

Một chuyến du lịch Châu Âu tự túc sẽ tốn khoảng 65 – 80 triệu (không tính chi phí shopping và trong trường hợp bạn không đi Bắc Âu & Thụy Sỹ). Trong đó chi phí vé máy bay sẽ chiếm khoảng 1/4 tổng chi phí trong trường hợp đi từ các quốc gia không phải ở Châu Âu. Nếu đi từ các quốc gia Châu Âu sẽ bớt được khoản vé máy bay này. 

Trong trường hợp đi với một nhóm bạn, các bạn có thể sử dụng file excel (kiểu truyền thống) hoặc app Splitwise để chia tiền cho dễ. Và phải nhớ giữ bill hoặc note lại tiền để dễ đối chiếu nhé. 

Các bạn có thể tham khảo bảng chi phí du lịch Châu Âu tự túc dưới đây:

 

VISA 80€ * Trong trường hợp bạn không sử dụng thê các dịch vụ (như đặt lịch ngoài giờ, sử dụng lounge…)
DI CHUYỂN
1. Vé máy bay Hà Nội – Paris (khứ hồi) 1000€ * Giá thay đổi theo thời điểm
2. Di chuyển giữa các thành phố 280€
3. Di chuyển trong thành phố 190€
LƯU TRÚ
4. Khách sạn 12 đêm 480€ * Trung bình 40€/đêm/ 1 người
THAM QUAN
5. Vé các điểm tham quan 150€ * Trung bình 15€/vé/1 địa điểm
MUA SẮM
6. Mua đồ lưu niệm 80€
7. Sim điện thoại 19€
ĂN UỐNG
8. Tiền ăn 12 ngày 480€ * Trung bình 40€/ngày/người
TỔNG  2759 70,862,000 VND

 

7.2. Tips tiết kiệm du lịch Châu Âu

Sau đây là một số tips tiết kiệm du lịch Châu Âu:

  • Tránh du lịch Châu Âu vào mùa cao điểm, đặc biệt là các tháng 7, tháng 8 và tháng 12. 
  • Đặt vé trước các địa điểm tham quan (như tháp Eiffel, đấu trường La Mã Colosseum…) để đỡ mất công phải xếp hàng mua vé. 
  • Tránh ăn, mua đồ tại các điểm du lịch vì giá cao và chất lượng không tương xứng.
  • Ngủ đêm tại sân bay, trên tàu, trên xe để tiết kiệm chi phí (nhưng ngày hôm sau sẽ rất mệt). 
  • Tận dụng các điểm đến miễn phí vé tham quan.

 

đi châu âu
Nên đặt vé trước các điểm tham quan để tránh xếp hàng

 


8. Đi du lịch Châu Âu cần chuẩn bị những gì?

8.1. Sim du lịch Châu Âu

Trong các chuyến đi Châu Âu, mình và bạn mình sử dụng 2 loại sim là giffgaff và Three. Thì chất lượng của sim Three tốt hơn hẳn. Giá cho 12GB và sử dụng 30 ngày là 650,000 VND. 

Mình mua sim Three tại cửa hàng Three ở Anh. Nếu các bạn không ở Anh, có thể mua sim 4G của Three tại link sau. 

 

8.2. Mẹo chuẩn bị hành lý du lịch Châu Âu

Với vé máy bay đi Châu Âu, các bạn sẽ có tầm 18 – 20kg hành lý ký gửi và 7kg hành lý xách tay. Thường một chuyến đi từ 10 – 15 ngày cho nên việc sắp xếp làm sao vừa đủ đồ là rất khó. 

Các bạn nên in một cái checklist ra, chuẩn bị xong cái gì thì tick vào để đỡ quên (cái dễ quên nhất thường là bàn chải và kem đánh răng). Các bạn có thể tham khảo checklist của mình dưới đây nhé: 

 

hành lý du lịch châu âu

 

Sau đây là một số tips chuẩn bị hành lý du lịch Châu Âu:

– Chỉ để gọn hành lý trong 1 vali. Bởi vì khi phải di chuyển nhiều mà mang vác nhiều vali cũng rất vất vả. 

– Mang theo 2 – 3 đôi giày thể thao vì phải đi bộ rất nhiều. Và một số thành phố ở Châu Âu lát đá cuội, nếu không đi giày thể thao sẽ rất đau chân.   

– Mang theo một cái ổ cắm chuyển đổi điện

– Chiết mỹ phẩm vào các hũ nhỏ để tiện sử dụng và để gọn trong một túi zip, chứ không nên mang hộp to đi vì rất lỉnh kỉnh và dễ bị thất lạc

– Không nên mang quá nhiều tiền mặt (mang quá 10,000 USD các bạn có thể sẽ bị giữ ở hải quan)

– Mang 2 thẻ tín dụng đi để đề phòng trường hợp bất chắc (lưu số hotline của ngân hàng để còn khóa thẻ khẩn cấp).

 

Mang 2 thẻ tín dụng đi để đề phòng trường hợp bất trắc (Photo: @lucy.truong.44)

 


9. Tổng kết: Kinh nghiệm du lịch Châu Âu

9.1. Những lưu ý khi du lịch Châu Âu tự túc 

– Một số thành phố lớn ở Châu Âu như Rome, Paris hay Barcelona có tỉ lệ trộm cắp, móc túi cao tại Châu Âu. Chỉ cần sơ sểnh một chút là các bạn có thể bị mất đồ ngay lập tức. Các bạn cần để ý túi xách và điện thoại để không trở thành mồi ngon cho bọn này nhé. 

– Hầu hết người dân ở các quốc gia Châu Âu phát triển đều có thể nói Tiếng Anh. 

– Đặt trước vé máy bay, khách sạn và các dịch vụ để tiết kiệm thời gian cũng như chi phí 

 

9.2 Tổng kết

Trên đây là trọn bộ Kinh nghiệm du lịch Châu Âu tự túc của mình. Sau vài chuyến đi Châu Âu về mình vẫn cảm thấy chưa đã. Mong một ngày nào đó có thể quay trở lại khám phá thêm nhiều vùng đất mới tại Châu Âu. 

Nếu các bạn cần thêm thông thì có thể tham khảo các bài viết khác sau đây:

* Tips du lịch Châu Âu:

 

* Kinh nghiệm du lịch tại các thành phố nổi tiếng

Nếu thấy bài viết trên đây có ích, các bạn có thể giúp mình duy trì blog bằng cách nhấn vào link dưới đây nhé:

 

– TỔNG HỢP WEBSITE CẦN THIẾT KHI ĐI DU LỊCH –

error: Content is protected !!