Tìm và thuê nhà là việc mà bất cứ sinh viên nào cũng sẽ phải trải qua khi du học tại Anh Quốc. Bởi vì chỉ khi tìm được 1 căn nhà phù hợp mới giúp cho cuộc sống sinh hoạt và học tập tại nơi “đất khách quê người” trở nên thật thuận tiện. Bài viết sau đây mình sẽ chia sẻ Kinh nghiệm thuê nhà ở Anh Quốc cho các bạn du học sinh.
Table of Contents
1. Những điều cần biết khi thuê nhà ở Anh
Trước khi chia sẻ kinh nghiệm thuê nhà ở Anh, các bạn nên biết một số các điều sau.
1.1. Nhà ở Anh khác gì so với nhà ở Việt Nam
a. Nhà ở Anh thường có từ 2 – 3 tầng (chỉ có một số ít căn nhà xây đến 4 – 5 tầng). Một số căn nhà sẽ tận dụng thêm phần gác mái để xây thành phòng ở.
b. Khác với nhà ở Việt Nam, mỗi ngôi nhà ở Anh đều được lắp hệ thống sưởi, gas ở bên trong. Tuy nhiên, thì một phần do khí hậu cũng khá lạnh nên rất ít nhà lắp điều hòa.
c. Tường nhà ở UK là tường rỗng. Khi mình hỏi chủ nhà có thể đóng giá ở trên tường không thì anh ấy có nói cho mình biết.
(Cái này mình có google tìm hiểu bởi vì do chính phủ UK quy định việc xây dựng phải giảm thiểu tối đa phát thải khí CO2 ra môi trường và tạo ra lớp siêu cách điện giữa các phần của ngôi nhà. Cho nên giữa các bức tượng không có gạch như ở Việt Nam đâu mà sẽ là ống nước, ống dẫn gas…)
d. Sử dụng bóng đèn màu vàng trong phòng ngủ thay vì bóng đèn tuýp như ở Việt Nam. Bởi vì bóng đèn vàng sẽ tạo cảm giác ấm hơn.
e. Vòi xịt hoàn toàn bị “tuyệt chủng”. Cái này mình thấy khá bất tiện.
f. Các căn nhà ở UK đều được đánh số theo hệ thống postcode. Như nhà mình có địa chỉ post code là NG3 1NH, khi các bạn search google mã post code này có thể ra luôn địa chỉ nơi mình sống. Rất tiện lợi phải không nào, và đây cũng là cách để các bạn check địa chỉ nhà trước khi thuê.
1.2. Những điểm khác biệt trong cách sinh hoạt ở Anh so với Việt Nam
a. Uống nước trực tiếp từ vòi. Tuy nhiên mình không bao giờ uống nước kiểu này cả vì mình thấy không an tâm lắm và nước khá lạnh nữa.
Đến cả mấy bạn Ba Lan cùng nhà với mình cũng chẳng bao giờ uống, toàn thấy khuân nước đóng chai từ siêu thị về. Một cách nữa nếu các bạn không muốn uống tap water, là mua ấm đun nước hoặc máy lọc nước ở Tesco (nhưng sẽ phải thay lõi lọc thường xuyên).
b. Phân loại rác hữu cơ và rác vô cơ khi đổ rác, nếu vứt nhầm quá nhiều lần các bạn sẽ bị phạt.
c. Phơi quần áo trong nhà… chứ không phải phơi ngoài trời như ở Việt Nam. Nhà mình có sân phơi nhưng mà chả thấy ai phơi ngoài sân bao giờ cả.
2. Giá thuê nhà ở Anh Quốc
2.1. Tổng quan giá thuê nhà ở Anh Quốc
a. Giá thuê phòng trong một căn nhà ở Anh rơi vào khoảng £250 – 500/ tháng với các thành phố nhỏ, còn riêng London sẽ là £500 – 1000/tháng
b. Ở các khu vực phía Nam và phía Đông của nước Anh giá nhà sẽ cao hơn các khu vực còn lại.
c. Các thành phố có giá thuê nhà rẻ nhất ở Anh Quốc gồm có: Bangor, Sunderland, South Shields, Hartlepool và Belfast.
d. Các thành phố có giá thuê nhà đất nhất ở Anh Quốc gồm có: London, Oxford, Cambridge, Brighton, Edinburgh.
2.2. Các lưu ý về giá thuê nhà
a. Cũng cần lưu ý thêm là trong một số trường hợp giá phòng chưa bao gồm bills (tiền điện, nước, internet…). Các bạn sẽ phải đóng thêm từ £40 – 100/tháng cho các khoản nói trên (cái này tùy nhu cầu sử dụng).
b. Hầu như giá nhà được chủ nhà đưa ra chuẩn với giá thị trường nên họ sẽ không giảm giá. Mình đã thử mặc cả vài lần và nhận được “trái đắng”.
3. Các loại hình nhà cho thuê ở Anh Quốc
Ở Anh có 4 loại hình nhà cho thuê là ký túc xá, thuê nhà nguyên căn, thuê phòng trong một căn nhà và homestay.
Sau đây mình sẽ giới thiệu qua về các loại hình này:
3.1. Ký túc xá
Ký túc xá là một khái niệm mà bất cứ sinh viên nào cũng quen thuộc rồi. Do ở Anh số lượng sinh viên khá lớn nên ngoài KTX của trường sẽ có thêm các KTX của tư nhân nữa.
Với ký túc xá tư nhân thì sẽ linh hoạt hơn, các bạn có thể ở ghép 2 người 1 phòng và đây cũng là một cách khá tốt để tiết kiệm chi phí.
Tuy nhiên thì hầu như rất ít sinh viên Việt Nam chọn hình thức này. Ký túc xá có vị trí gần trường tuy nhiên giá lại đắt hơn rất nhiều so với thuê nhà ở bên ngoài và hợp đồng không linh hoạt.
Khi hết hạn hợp đồng bạn sẽ phải dọn ra khỏi ký túc xá ngay lập tức để nhường chỗ cho các bạn sinh viên mới sang.
Và khi ở KTX sẽ sống trong một môi trường rất rất lớn và bạn sẽ phải share chung một số tiện ích với các bạn khác. Mà một số bạn ý thức… mình không biết nói thế nào cả.
Mình đã từng chứng kiến một nhóm Ấn Độ mở tiệc thâu đêm đến mức không ai trong khu có thể ngủ được. Lúc nhắc nhở bọn nó còn mặc kệ mình luôn.
3.2. Thuê nhà nguyên căn
Đây là hình thức được nhiều các bạn du học sinh Việt Nam lựa chọn để share với nhau. Lý do thứ nhất là được sống cùng người Việt với nhau có vấn đề gì còn dễ nói với nhau. Thứ hai là chia đầu người các chi phí ra sẽ rẻ hơn so với ở một mình.
Tuy nhiên thuê nhà nguyên căn thì phần tiền nong cũng như các điều khoản trong hợp đồng sẽ rắc rối hơn. Các bạn cần phải xác thực đầy đủ thông tin trước khi đặt bút ký vào hợp đồng thuê nhà nhé.
Để cho tiết kiệm, một số trường hợp sẽ ở quá số người được quy định. Không phải là agent cho thuê không quản lý vấn đề này, mà họ làm khá chặt và sẽ đi kiểm tra thường xuyên. Cho nên để tránh bị phát hiện các bạn nên nhắc nhau và sắp xếp đồ cẩn thận trước khi agent đến kiểm tra.
3.3. Thuê phòng trong một căn nhà
Đây là hình thức cũng được khá nhiều bạn học sinh Việt Nam lựa chọn. Do số lượng nhiều nên việc lựa chọn được một chỗ phù hợp không phải là dễ.
– Nếu thuê nhà qua agent các bạn sẽ phải có Guarantor đứng ra bảo lãnh. Trong trường hợp không có guarantor sẽ phải đóng tiền một cục luôn. Và phải tuân thủ theo đúng hợp đồng cũng như thời gian thuê.
– Nếu làm việc trực tiếp với chủ nhà, thì mọi việc sẽ đơn giản hơn. Các bạn sẽ đóng tiền theo tháng (hoặc 3 tháng một) giống như chủ nhà mình. Khi dọn ra cũng chỉ cần thông báo trước 15 ngày để người ta chuẩn bị.
3.4. Homestay
Homestay sẽ dành cho học sinh dưới 18 tuổi vì ở UK người dưới 18 tuổi sẽ không được phép đứng ra ký hợp đồng thuê nhà, nên cần phải ở trong các homestay do trường chỉ định và có người bảo hộ.
Ở homestay sẽ được chủ nhà nấu ăn cho. Và đây cũng là một cơ hội để các bạn hiểu thêm văn hóa của người dân Vương Quốc Anh. Tuy nhiên khi có vấn đề gì xảy ra thì mọi thông tin của bạn sẽ được chuyển thẳng đến cho phụ huynh.
Lời khuyên của CHIBIKIU Mình vote thuê phòng trong một căn nhà. Vì đây là hình thức đơn giản và tiết kiệm nhất. Và mình cũng “trộm vía” gặp được chủ nhà rất nice, giúp đỡ mình rất nhiều trong quá trình sinh sống và học tập tại Anh Quốc. Hầu hết homies của mình đều là người đi làm, và họ cực kỳ tôn trọng quyền cá nhân của mỗi thành viên. Trong đó, có chị Helvie rất đáng yêu – đến từ Namibia, đã sống và làm việc ở UK được 10 năm. Vì mình và chị hay nấu ăn cùng một lúc, nên cứ đến giờ đó là tổ buôn được hoạt động. Vào các dịp không có deadline, mình và bạn thường rủ nhau đến nhà và nấu các món ăn Việt Nam cho chị. |
3. Kinh nghiệm thuê nhà ở Anh Quốc
Mình sẽ chia phần Kinh nghiệm thuê nhà ở Anh Quốc này ra làm 3 phần tương ứng với 3 giai đoạn của quá trình tìm nhà:
Bước 1. Tìm nhà như thế nào?
Các bạn nên tìm nhà 2 tháng trước ngày nhập học (tháng 7 đối với các bạn nhập học kỳ tháng 9 và tháng 11 với các bạn nhập học kỳ tháng 1).
Các kênh để tìm nhà phổ biến cho du học sinh ở Anh Quốc gồm có:
a. Lên website của trường, với các bạn có có nguyện vọng ở KTX.
b. Hỏi công ty tư vấn du học để được giới thiệu với kết nối với các ban du học sinh ở thành phố nơi bạn đến .
c. Các trang web cho thuê nhà www.rightmove.co.uk, www.zoopla.co.uk và www.spareroom.co.uk. Trong số này thì ở rightmove là có nhiều nhà để lựa chọn hơn cả.
Nên tìm kiếm ở chế độ bản đồ hơn là chế độ hiển thị danh sách. Đặc biệt cần để ý các thông tin về nhà như địa chỉ, furnished (đã có sẵn đồ) hay unfurnished (không có sẵn đồ), đã bao gồm bill hay chưa nhé.
d. Các hội nhóm du học sinh ở Anh Quốc. Có hai kênh Facebook chính của sinh viên Việt Nam tại UK là Hội những người “sắp” đi UK và SVUK FORUM. Tuy nhiên thì 2 trang này phạm vi hơi rộng. Để chính xác các bạn nên vào trang của từng thành phố nơi mình ở.
* VÍ DỤ: Mình học ở Nottingham sẽ lên group Facebook Vietnamese Society in Nottingham. Trên group sẽ có các bạn đi trước hết hợp đồng nhà hoặc chuẩn bị về nước nhượng lại nhà hoặc phòng.
Các yếu tố để lựa chọn một căn nhà phù hợp:
|
Bước 2. Liên hệ với chủ nhà và đặt cọc
Các bạn có thể nhắn tin với chủ nhà qua thông tin được họ để trên bài. Tuy nhiên không phải chủ nhà nào cũng luôn luôn túc trực để trả lời tin nhắn và nghe điện thoại.
Và cũng một phần do thời gian bên UK cách Việt Nam 6 tiếng, nên việc liên lạc cũng gặp khá nhiều khó khăn. Các bạn phải thật sự kiên nhẫn tại bước này.
Nên nhờ các bạn đang sống tại thành phố qua xem nhà hộ vì trên ảnh là một chuyện nhưng thực tế lại là một chuyện khác. Nếu ưng ý nhà các bạn nên đặt cọc cho chủ nhà để giữ chỗ nhé. Mình cũng nhờ bạn mình đặt cọc nhà luôn. Nếu không có ai nhờ các bạn có thể liên hệ Student Life Care để nhờ hỗ trợ.
Bước 3: Dọn đến nhà mới
Trước khi dọn đến nhà mới các bạn nên nhắn thông tin giờ đón cho chủ nhà để họ đón mình. Và khi trả tiền đặt cọc cho họ nhớ có xác nhận rõ ràng qua biên bản để tránh các vấn đề phát sinh.
Một số nhà khi dọn đến đã có sẵn đồ đạc, một số nhà thì không. Nếu trong trường hợp nhà thiếu đồ, các bạn sẽ phải tốn thêm một khoản mua đồ mới. Mấy ngày đầu mình chủ yếu đi sắm sửa đồ đạc trong nhà.
Nếu bạn là sinh viên, một số chủ nhà sẽ yêu cầu bạn xin giấy Miễn giảm thuế (Tax exemption) của trường. Vì sinh viên sẽ không phải chịu thuế Council Tax. Cái này là tùy từng nhà như nhà mình thuê thì không yêu cầu.
Quá trình tìm nhà của mìnhMình bắt đầu tìm nhà khá muộn tầm giữa tháng 8 khi có kết quả visa. Trước đó mình cũng không tham gia bất kỳ các chương trình Pre-departure hay các hội nhóm trên Facebook gì cả. Đây là 2 sai lầm lớn nhất của mình. Trong lúc này các bạn đi cùng đợt với mình đều đã gần như chốt xong nhà rồi. Cho nên mình không tìm ai để thuê nguyên 1 căn nhà cả. Thế là phải sang option 2 thuê phòng trong 1 căn nhà. Mình lên tất cả các trang web tìm nhà như rightmove và spareroom để tìm nhà. Liên hệ đủ kiểu nhưng chưa kịp chốt thì đã bị thuê mất rồi. Các căn còn lại ở khá xa trường và giá cũng không phải là rẻ. Đến gần sát ngày mà không tìm được nhà mình thực sự rất stress và mình còn lên kế hoạch sang bên Anh mới đi xem và tìm nhà. Nhưng mà đến gần sát hôm đi cái nhà mình ưng lại có người dọn ra, thế là mình nhờ một bạn ở bên Nottingham đến xem nhà và đặt cọc luôn. Cuối cùng mình cũng thuê được nhà 2 ngày trước khi sang. |
4. Những vấn đề phát sinh trong quá trình sinh hoạt
4.1. Những vấn đề phát sinh trong quá trình sinh hoạt
Không phải lúc nào việc thuê nhà cũng diễn ra suôn sẻ, nhất là sau khi nhận nhà và sinh hoạt mới phát hiện ra nhiều chuyện. Ngay đến cả một nơi như trong ký túc xá cũng có rất nhiều vấn đề nữa. Một số vấn đề phát sinh trong quá trình sinh hoạt gồm có:
- Không hợp gu với bạn cùng phòng hoặc cùng nhà
- Bạn cùng nhà hay dẫn “bạn trai” hoặc “bạn gái” về nhà
- “Hack” đồ ăn trong tủ lạnh
- Các thành viên trong nhà có tranh chấp liên quan đến tiền bạc
- Chủ nhà “chuối tỷ”
- Và rất nhiều vấn đề khác
Mình đã gặp trường hợp chủ nhà người Việt và bạn sinh viên thuê nhà tố nhau ngay trên trang facebook của hội sinh viên thành phố. Và chuyện này thực sự cũng không phải là hay ho gì cả.
Cho nên khi chuyển vào nhà mới các bạn nên có 1 bộ quy tắc chung để mọi người trong nhà follow theo. Và có phân công cụ thể từng công việc cho từng thành viên phụ trách.
Nếu tình hình đi quá xa, hãy cố gắng ngồi lại với nhau để giải quyết vấn đề, chứ dọn nhà và tìm nhà mới cũng không phải là vấn đề dễ dàng gì (nhất là ở các thành phố lớn như London).
4.2. Lưu ý khi dọn ra khỏi nhà
Không phải trường hợp cũng “ra đi trong êm đẹp”. Một số trường hợp sau khi dọn ra khỏi nhà rồi, chủ nhà hoặc agents lại lấy cớ do mình làm hỏng đồ không trả tiền đặt cọc.
Cho nên, ngay khi dọn vào nhà và trước khi dọn ra khi dọn ra khỏi nhà, các bạn nên chụp ảnh hoặc quay phim lại mọi ngóc ngách trong nhà để làm bằng chứng hoặc không phải gọi agents hay chủ nhà đến tận nơi xác nhận (ký vào biên bản nữa thì càng tốt).
5. Tổng kết: Kinh nghiệm thuê nhà ở Anh Quốc cho sinh viên
5.1. Các tips cho du học sinh ở Anh Quốc
– Tham gia các chương trình Pre-departure do trường hoặc trung tâm tư vấn du để có thể “network” với nhiều bạn mới. Đây là một cơ hội rất tốt để các bạn gặp gỡ và tìm housemate cho mình.
– Tham gia trang Facebook của Hội những người “sắp” đi UK và SVUK FORUM để update các thông tin bên UK cũng như vùng nơi mình sống.
– Nếu có vấn đề gì xảy ra, hãy liên lạc với Hội sinh viên hoặc Bộ phận Support sinh viên của trường để được trợ giúp nhé.
– Không cần mang đồ ăn từ Việt Nam sang, vì ở bên UK không những không thiếu mà còn bán đầy ở siêu thị.
5.2. Lời khuyên từ các cựu du học sinh
Trước khi kết thúc bài viết chia sẻ Kinh nghiệm thuê nhà ở Anh Quốc cho sinh viên, sau đây là lời khuyên từ các bạn cựu du học sinh:
Bạn Mai Bùi – Cựu du học sinh trường Nottingham Trent
Mình thuê nhà với anh chủ người Việt thông qua một bài post trên Vietsoc Nottingham. Vì cùng là người Việt với nhau nên lúc nào mình cũng cảm thấy thoải mái như ở nhà, thỉnh thoảng cùng mọi người nấu nướng, chơi game, hát karaoke rất vui. Mình cũng không phải lo về vấn đề agent hay landlord như một số bạn thuê nhà trên các trang web local. Còn tất nhiên với những bạn sinh viên dư dả hơn thì lựa chọn ký túc xá của trường cũng không tồi. Sạch sẽ, an toàn, có cơ hội giao lưu nhiều hơn với bạn bè nước ngoài. Tuy nhiên theo như mình biết thì trường chỉ cho thuê theo thời gian khóa học (ví dụ 1 năm), nên nếu kết thúc khóa học và muốn ở lại thêm thì bạn sẽ phải tìm nhà mới và chuyển đồ cũng khá lích kích. Về tổng quan, kinh nghiệm cho các bạn tìm nhà là ưu tiên vị trí gần trường và tiện di chuyển đến city centre. Sau đó sẽ cân nhắc thêm về giá cả, landlord, an ninh xung quanh. |
Bạn Trần Việt Hưng – Cựu du học sinh trường Nottingham Trent
Các bạn nên check kỹ các điều khoản trong hợp đồng & check kỹ conditions của nhà trước khi đặt bút ký vào hợp đồng thuê nhà. Nếu như ở VN thì có thể nhờ ai đó ở bên UK chạy qua xem nhà, quay video giúp – đây là kiểu Student Life Care hay làm. Còn nếu như đang ở UK rồi thì trước khi ký hợp đồng, nhớ chụp lại hết tất cả các ngóc ngách trong nhà, sau đó đưa tất cả các hình này vào như 1 phần của hợp đồng. Để thuận tiện cho việc check nhà + lấy lại cọc sau khi hết hợp đồng. Nhìn chung thì agent bên này tìm mọi cách để moi tiền của mình, vết bẩn nhỏ thôi nó cũng tìm cách trừ tiền cọc của mình. Thêm nữa là make sure với chủ nhà/landlord là phí hàng tháng đã include bills hay chưa, và điều này phải ghi rõ trong hợp đồng. |
5.3. Tổng kết
Trên đây là toàn bộ Kinh nghiệm thuê nhà ở Anh Quốc cho sinh viên của Chibikiu, hy vọng sau bài viết này các bạn đã có cái nhìn rõ hơn về việc thuê nhà khi đi du học Anh.
Và nếu các bạn cần thêm thông tin gì có thể tham khảo các bài viết khác trong series bài về du học sau:
* Lên kế hoạch du học Anh:
- Du học Anh cần bao nhiêu tiền
- Tổng hợp các trung tâm tư vấn du học Anh uy tín
- Kinh nghiệm phỏng vấn xin visa du học Anh
* Hành trình chuẩn bị du học Anh:
* Cuộc sống du học Anh:
- Những điều cần làm ngay sau khi sang Anh du học
- Du học Anh có được làm thêm không
- Kinh nghiệm xin visa Schengen du lịch Châu Âu cho du học sinh Anh
Nếu thấy bài viết trên đây có ích, các bạn có thể giúp mình duy trì blog bằng cách nhấn vào link dưới đây nhé: