Từng là một làng chài hẻo lánh, ngày nay Thượng Hải đã trở thành một đô thị sầm uất và hiện đại bậc nhất trên thế giới. Giữa một mê cung nhà chọc trời, không khó để bắt gặp bóng dáng những nét kiến trúc cổ kính, đầy hoài niệm. Thượng Hải là thế đó, hiện tại và quá khứ cứ thế song hành, tạo ra một nét quyến rũ rất riêng cho vùng đô thị rộng lớn này. Bài viết sau đây mình sẽ chia sẻ một số Kinh nghiệm du lịch Thượng Hải tự túc trong 5N4D.
Table of Contents
1. Giới thiệu về Thượng Hải: Thượng Hải ở đâu, Thượng Hải có gì đặc biệt?
Trước khi chia sẻ kinh nghiệm du lịch Thượng Hải, mình sẽ giới thiệu đôi điều về Thượng Hải: Thượng Hải ở đâu? Thượng Hải có gì đặc biệt?
1. Thượng Hải ở đâu? Thượng Hải thuộc tỉnh nào?
Cái tên Thượng Hải đã phần nào nói lên vị trí của thành phố. Về ý nghĩa, Thượng Hải có nghĩa là “phía trên biển”. Thượng Hải nằm trên bờ biển phía đông (hay còn lại là Hoa Đông) thuộc vùng đồng bằng châu thổ Trường Giang.
Thượng Hải nằm cách Bắc Kinh khoảng 1207 km và Quảng Châu khoảng 1450 km. Và đây cũng là cầu nối quan trọng giữa thủ đô Bắc Kinh ở phía Bắc và trung tâm kinh tế Quảng Châu ở phía Nam.
Thành phố giáp với hai tỉnh Giang Tô, và Triết Giang ở phía Tây. Thượng Hải, Giang Tô và Chiết Giang tạo thành vùng tam giác châu thổ sông Trường Giang. Đây là vùng đô thị tập trung lớn nhất thế giới (sở hữu 1/10 dân số Trung Quốc) và là vùng kinh tế trọng điểm của Trung Quốc (1/5 GDP của cả nước).
Con sông Hoàng Phố (một nhánh của sông Dương Tử) chia thành phố thành 2 phần phố Đông (khu vực mới phát triển) và phố Tây (khu vực phố cổ). Các bạn có thể thấy rõ sự tương phản đối lập này tại Bến Thượng Hải.
1.2. Thượng Hải có gì đặc biệt?
Khi du lịch tới Thượng Hải, mình có gặp một anh bạn người Trung Quốc (anh học khoa Tiếng Việt tại một trường đại học ở Bắc Kinh và nói tiếng Việt rất sõi). Anh nói nếu Bắc Kinh là “thủ đô” của Trung Quốc thì Thượng Hải là “mê đô”. Bởi Thượng Hải có một thứ mê lực kỳ lạ, khiến ai cũng muốn lao vào như một con thiêu thân.
Xuất phát điểm từ một làng chài nhỏ bé, Thượng Hải đã phát triển vượt bậc trở thành thành phố lớn nhất thế giới. Nhũng tòa nhà cao tầng cứ đua nhau mọc lên, các công nghệ mới được ra đời… nhưng không vì thế mà các giá trị truyền thống bị thay thế.
Ở ngay giữa trung tâm thành phố, vẫn còn những nét kiến trúc cổ truyền của Trung Quốc với tuổi đời lên đến hàng trăm năm. Ngoài ra, các công trình kiến trúc mang phong cách Châu Âu vẫn còn được bảo tồn nguyên vẹn.
Trong con mắt của những người dân địa phương, Thượng Hải là nơi họ có thể tìm thấy nhiều cơ hội mới. Còn với những du khách như tôi, Thượng Hải là cái gì đó thuộc về ký ức.
“Tình sâu thẳm, mưa bụi nhòa, trời thì cao mà đất thì rộng
Trong em đều là bóng hình anh, mong anh qua từng ngày xuân hạ thu đông
Em cứ chờ ,chờ mãi …Biết đến ngày nào anh trở về ?
Bộ phim “ Tân dòng sông ly biệt” ngoài việc khắc họa câu chuyện tình ngang trái của Lục Y Bình và Hà Thư Hoàn, còn thành công trong việc thể hiện một Thượng Hải “phồn hoa đô hội” của những năm 30s của thế kỷ trước.
Con phố Nam Kinh với tiếng kêu leng keng mỗi khi tàu điện chạy qua, khu dân cư nghèo với kiến trúc Shikumen đặc trưng, vũ trường Đại Thượng Hải lấp lánh ánh sáng mỗi khi đêm về… Những tưởng tất cả sẽ chỉ được thấy trong ký ức. Nhưng tất cả lại được sống dậy khi du lịch tới Thượng Hải.
Một số fact hay ho về Thượng Hải
|
2. Nên du lịch Thượng Hải vào thời gian nào?
2.1. Tổng quan khí hậu Thượng Hải
Sỡ hữu khí hậu cận nhiệt đới ẩm, Thượng Hải có 4 mùa rõ rệt, trong đó mùa đông và mùa hạ dài, mùa thu và mùa xuân ngắn. Nhưng mùa hè và mùa đông không phải là thời gian tốt nhất để du lịch Thượng Hải.
Mùa hè nóng, hay có mưa và cũng là mùa cao điểm du lịch. Mùa đông lạnh, nhiệt độ ban đêm có thể xuống dưới 0 °C. Nếu may mắn các bạn có thể săn được tuyết rơi, nhưng mà trong 1 năm chỉ có vài ngày tuyết rơi thôi.
2.2. Nên du lịch Thượng Hải vào thời gian nào
Thời điểm tốt nhất để du lịch Thượng Hải là vào mùa thu từ giữa tháng 9 đến giữa tháng 11, thời tiết mát mẻ dễ chịu. Mình du lịch Thượng Hải vào đầu tháng 11, thời tiết lúc này rất lý tưởng, không quá nóng mà cũng không lạnh quá (chỉ tầm 17 – 22 độ).
Tránh du lịch Thượng Hải vào các ngày lễ lớn của Trung Quốc như Lễ Lao Động 01/05 và Dịp Quốc Khánh 01/10. Vì vào những dịp này khách Trung Quốc đổ về các điểm du lịch không phải đông, mà là RẤT ĐÔNG (chính xác là không có chỗ đứng luôn đó).
3. Di chuyển đến Thượng Hải như thế nào?
3.1. Đi máy bay
Đây là cách tiện lợi và đơn giản nhất để đi đến Thượng Hải, nhưng nếu du lịch tự tức thì trở ngại lớn nhất là giá vé máy bay rất cao và không có nhiều sự lựa chọn.
Chỉ có duy nhất Vietnam Airlines khai thác đường bay thẳng Hà Nội – Thượng Hải, nhưng giá vé rất cao. Air Macau và Air Asia giá vé rẻ nhưng sẽ phải bay đêm và transit rất mệt.
Kỳ canh vé máy bay chương trình Khuyến mãi Mùa thu của Vietnam Airlines nên mua vé máy bay chỉ mất có 7,7 triệu / khứ hồi (rẻ hơn cả mấy hãng phải transit nữa mà giờ bay rất hợp lý).
* LƯU Ý:
|
3.2. Đi đường bộ
Cách này rất vất vả vì các bạn sẽ phải đi xe giường nằm lên Nam Ninh (Trung Quốc), rồi từ Nam Ninh mua vé tàu hoặc xe buýt đến Thượng Hải.
Nếu không đi được tiếp option đường bộ, các bạn có thể chuyển sang đi máy bay tiếp, vì những chặng bay nội địa Trung Quốc giá khá rẻ. Sử dụng Trip.com để tìm kiếm và đặt vé tàu khi du lịch tại Trung Quốc.
4. Kinh nghiệm đặt phòng du lịch Thượng Hải tự túc
4.1. Những lưu ý khi đặt phòng du lịch ở Thượng Hải
– Không phải khách sạn nào ở Trung Quốc cũng được phép nhận khách nước ngoài. Để biết khách sạn có nhận khách nước ngoài hay không, các bạn vào đọc phần đánh giá. Nếu thấy có ngôn ngữ nào khác tiếng Trung chứng tỏ khách sạn đó được phép nhận khách nước ngoài.
– Các khách sạn được phép nhận khách nước ngoài ở Thượng Hải sẽ check-in khách quốc tế bằng hệ thống nhận diện gương mặt (còn ở Bắc kinh bọn mình check in là không có vụ này nhé).
– Giá phòng khách sạn ở Thượng Hải tương đối đắt nhưng chất lượng thì lại không được tốt cho lắm. Và đặc biệt lễ tân ở đây nói Tiếng Anh RẤT KÉM (chỉ có ở mấy khu trung tâm có khách du lịch thì may ra lễ tân nới vài câu Tiếng Anh)
4.2. Du lịch Thượng Hải đặt phòng ở đâu
Theo kinh nghiệm du lịch Thượng Hải tự túc của mình, các bạn nên đặt phòng gần phố đi bộ Nam Kinh và gần các bến metro để tiện đi chơi. Ở xa tuy có rẻ hơn nhưng đi chơi về rất mệt, và lễ tân mấy khu này không giỏi tiếng Anh cho lắm.
Mình phát hiện ra điều này bởi vì trong chuyến đi Thượng Hải, mình đặt phòng ở 2 khu khác nhau. Mấy ngày đầu, mình ở khách sạn Shanghai Holland Hotel, gần MRT Zhongsan Bei. Khách sạn này gần nhà bạn mình và là khu vực dân sinh, nên xung quanh rất ít các hàng ăn. Lễ tân khu này Tiếng anh ôi thôi, thực sự là không muốn bình luận gì thêm.
Shanghai Holland Hotel
|
Hôm sau mình chuyển ra khách sạn Baron Business Hotel, gần đường Nam Kinh và khu bến Thượng Hải. Đây là lựa chọn rẻ nhất và có 2 giường đơn tại thời điểm mình đặt phòng. Tuy nhiên thì nhân viên lê tân ở đây tiếng Anh rất tốt, khác hẳn khách sạn đầu mình ở.
Baron Business Hotel
|
5. Kinh nghiệm di chuyển khi du lịch Thượng Hải
5.1. Di chuyển từ Sân bay Phố Đông – trung tâm thành phố
a. Tàu Maglev: Đây là chuyến tàu cao tốc phục vụ riêng cho hành trình từ sân bay phố Đông về trung tâm Thượng Hải. Với vận tốc lên đến 430 km/h, chỉ mất 8 phút là các bạn đến trung tâm.
Nhưng nếu mang nhiều hành lý như mình thì đi kiểu này rất vất vả. Vì sau khi dừng ở ga Longyang Rd xong, sẽ phải chuyển sang line tàu điện ngầm để đi về khách sạn. Mà ga Longyang cũng không gần trung tâm thành phố với chỗ bọn mình ở lắm.
* LƯU Ý:
|
b. Taxi: đây là lựa chọn tiện lợi nhất mất 220¥ từ trung tâm thành phố đến sân bay và ngược lại. Các bạn có thể nhờ lễ tân khách sạn gọi trước xe ra sân bay nhé.
5.2. Di chuyển trong trung tâm thành phố như thế nào
Mạng lưới giao thông công cộng ở Thượng Hải rất phát triển và tiện lợi, Kỳ chủ yếu đi tàu điện ngầm và taxi. Sau đây mình sẽ nói thêm về 2 loại phương tiện này nhé.
a. Tàu điện ngầm: Đây là phương tiện mình sử dụng nhiều nhất vì có thể đi đến nhiều địa điểm du lịch Thượng Hải và giá cũng rất rẻ (từ 3 – 6 ¥ / 1 chặng).
Trước khi vào mỗi ga tàu điện ngầm, các bạn sẽ được soi chiếu và kiểm tra túi. So với Bắc Kinh thì lượng người sử dụng phương tiện công cộng giờ cao điểm ở Thượng Hải vẫn dễ thở hơi nhiều.
b. Taxi: có thể bắt ở khắp mọi nơi trong thành phố. Có rất nhiều bạn review với mình là taxi ở Thượng Hải mắc nhưng thực ra giá cả rất phải chăng chỉ tầm 15 – 20 ¥ cho 1 chặng đi.
Khác với Bắc Kinh, taxi Thượng Hải lúc nào cũng bật Baidu Maps để chỉ đường hết nhé. Nếu không biết Baidu Maps là phần mềm gì các bạn có thể tham khảo bài review ở link sau nhé.
6. Các điểm du lịch Thượng Hải
6.1. Bến Thượng Hải – điểm du lịch nổi tiếng nhất Thượng Hải
“Lọn phắn … lọn làu” cứ mỗi khi giai điệu quen thuộc ấy vang lên là những ký ức về bộ phim kinh điển Bến Thuợng Hải lại ùa về.
Dù câu chuyện trên phim chỉ là do con người tạo ra nhưng Bến Thượng Hải lại là một địa danh có thật. Đây được xem là linh hồn của thành phố Thượng Hải và là địa điểm đã đi vào biết bao nhiêu áng văn thơ và phim ảnh.
Nằm bên dòng sông Hoàng Phố, bến Thượng Hải từng là thương cảng nổi tiếng thế giới thời kỳ dân quốc.
Dọc bến là một phố Tây với những tòa nhà cổ kính mang đậm dấu ấn thuộc địa và một phố Đông đối nghịch với ma trận các tòa nhà chọc trời. Tất cả đã thể hiện lên một Thượng Hải hiện đại trẻ trung, sôi động nhưng vẫn đầy hoài niệm.
6.2. Tháp Truyền hình Đông Phương Minh Châu – Công trình kiến trúc đặc trưng của Thượng Hải
Trong bất kỳ tấm ảnh check-in nào của thành phố Thượng Hải, cũng sẽ xuất hiện hình ảnh của một công trình có hình dáng đặc biệt. Đó chính là Tháp Truyền hình Đông phương minh châu, biểu tượng của Thượng Hải.
Lấy cảm hứng từ câu thơ “Đại châu tiểu châu lạc ngọc bàn” trong bài “Tì Bà Hành” của Bạch Cư Di. Tháp truyền hình Đông phương minh châu được thiết kế tựa như những viên minh châu từ trên trời rơi xuống dòng sông Hoàng Phố.
Lúc chưa đến Thượng Hải, mình nghĩ cái tháp này xanh xanh đỏ đỏ trông chả ra sao cả. Nhưng phải đến tận nơi nhìn tận mắt mới thấy tháp thực sự đẹp, nhất là lúc lên đèn vào buổi tối.
6.3. Cầu Waibaidu (Ngoại Bạch Độ) – Cây cầu nổi tiếng nhất thành phố
Lúc xem qua các địa điểm du lịch ở Thượng Hải, mình vô tình bắt gặp hình ảnh một cây cầu thép đứng hiên ngang giữa lòng thành phố hiện đại, và hình ảnh đó đã gợi lại biết bao nhiêu ký ức.
Chắc các bạn xem phim “Tân dòng sông ly biệt” rồi sẽ nhớ đoạn Triệu Vy nhảy cầu tử tự, và cầy cầu đó có hình dáng y hệt chiếc cầu Waibaidu này. Chính vì thế mà mình gọi đây là cầu Triệu Vy tự tử luôn.
Cầu Waibaidu là cây cầu được xây dựng hoàn toàn bằng thép đầu tiên tại Trung Quốc. Với nhiệm vụ chính nối liền 2 quận Hoàng Phố và Hồng Khẩu, cầu Waibaidu đã chứng kiến biết bao nhiêu sự kiện lịch sự của thành phố Thượng Hải.
Khi đi dạo qua cầu vào buổi tối, bất ngờ mình lại nghe được giai điệu của bài hát “Tình sâu thẳm, mưa bụi nhòa”. Cảnh Lục Y Bình và Hà Thư Hoàn trao nhau nụ hôn vẫn như đâu đây còn đó vậy.
6.4. Đường Nam Kinh – Trung Hoa đệ nhất lộ
Trải qua biết bao nhiêu thăng trầm của lịch sử, đường Nam Kinh vẫn giữ nguyên danh hiệu “Trung Hoa đệ nhất lộ”.
Dọc chiều dài 5,5 km là vô số các cửa hàng với đủ các chúng loại hàng hóa, từ nội địa truyền thống cho tới các thương hiệu nổi tiếng thế giới. Lúc nào tại phố đi bộ Nam Kinh cũng tấp nập người qua lại.
Mặc dù các cửa hàng hiện đại với đèn điện bảng hiệu thi nhau mọc lên, nhưng không vì thế mà các cửa hàng truyền thống mất đi vị thế của mình.
Nếu có cơ hội du lịch Thượng Hải, các bạn hãy dạo phố Nam Kinh lúc nửa đêm khi không có người qua lại để chầm chậm nhìn ngắm những vết tích thời gian còn sót lại tại tòa Bách hóa số 1, Kho Thực phẩm số 1, Công ty thời trang Thượng Hải và Tòa nhà Thương mại Hoa Liên.
6.5. Phim trường Thượng Hải – Nơi tái hiện Thượng Hải thời dân quốc
Được khánh thành vào năm 1998, Phim trường Chedun (hay phim trường Thượng Hải) là phim trường của hầu hết các bộ phim thời dân quốc của điện ảnh Trung Hoa.
Điểm du lịch Thương Hải này sẽ cho bạn cảm giác được trở về thời dân quốc. Bởi hầu hết các công trình được tái hiện gần như là nguyên bản so với bản gốc. Các bạn sẽ bắt gặp Tòa nhà Bách hóa số 1, cầu Ngoại Bạch Độ hay khu phố Tân Thiên Địa …
Không chỉ mở cửa cho khách tham quan, tại phim trường vẫn diễn ra các cảnh quay (nhưng nếu có quay phim cả khu vực quay sẽ bị chặn hết không thăm quan được). Nếu cần thêm thông tin gì về Phim trường Thượng Hải, các bạn có thể tham khảo bài review sau.
|
6.6. Shanghai Tower – tòa nhà cao nhất Thượng Hải
Khu vực Lục Gia Chủy là nơi tập trung các tòa nhà cao tầng hiện đại bậc nhất tại thành phố Thượng Hải. Trong số đó, nổi bật nhất vẫn là tòa nhà Shanghai Tower cao 128 tầng. Đây là tòa nhà cao nhất ở Trung Quốc và cao thứ hai thế giới.
Các bạn có thể mua vé lên đài quan sát ở tầng 118 Shanghai Tower để ngắm tòan cảnh thành phố Thượng Hải. View trên này khá mờ do bị mấy cái kính che.
Kỳ đi lúc hoàng hôn nhưng nhìn chả rõ gì cả, phải đợi đến lúc cả thành phố lên đèn mới đẹp. Có thể book vé online hoặc mua tại quầy cũng được (xếp hàng mất 10 phút).
|
6.7. Tân Thiên Địa – Khu nhà cổ theo phong cách Shikumen
Tân Thiên Địa (hay Xintiandi) là khu vực phố cổ tập trung rất nhiều nhà hàng, khu giải trí và mua sắm tại trung tâm Thượng Hải.
Với phong cách kiến trúc Thạch Khố Môn – có nghĩa “Cổng đá”, những căn nhà ở khu phố này mang những nét rất riêng khó có thể tìm thấy ở bất kể đâu trong thành phố.
Nếu đang tìm kiếm hình ảnh của một Thượng Hải cổ kính, hãy đi dạo quanh các con ngõ nhỏ ở Tân Thiên Địa và ngắm nhìn những ngôi nhà cổ.
6.8. Miếu Hoàng Thành – Khu vực phố cổ của Thượng Hải
Giữa những tòa nhà cao tầng hiện đại ở thành phố, đâu đó vẫn thấp thoáng những nét kiến trúc cổ kính từ thời nhà Minh, đang được bảo tồn tại khu vực Miếu Hoàng Thành.
Mặc dù tên gọi là miếu, nhưng thực chất bên trong khu phố này không hề có một ngôi miếu nào cả. Toàn bộ khu vực này là một quần thể nhà và 2 khu vườn được xây dựng vào thế kỷ thứ 15.
Hiện nay phần lớn các tòa nhà thuộc khuôn viên Miếu Hoàng Thành đã được tận dụng trở thành những nhà hàng, cửa hàng thời trang và khách sạn.
Xung quanh điểm du lịch Thượng Hải này lúc nào cũng tấp nập người qua lại. Bật mí cho các bạn biết Miếu Hoàng Thành buổi tối lên đèn rất lung linh, đã thế lại còn nhiều món ăn hấp dẫn nữa.
6.9. Disneyland Thượng Hải – Thế giới ước mơ của trẻ em
Disneyland Thượng Hải là công viên thứ 6 của hệ thống Disneyland trên toàn thế giới. Trong công viên có tất thảy 6 khu được xây dựng theo các chủ đề khác nhau: Đảo phiêu lưu, Khu vườn tưởng tượng, Đại lộ Mickey, Vùng đất của ngày mai, Vịnh châu báu và Lâu đài Enchanted Storybook.
Mình đã đi Disneyland ở Hong Kong và cũng hết cái tuổi mơ mộng công chúa và hoàng tử, nên mình không đi Disneyland Thượng Hải làm gì nữa.
Ngoài ra, xét về quy mô và Disneyland Thượng Hải lớn hơn HongKong rất rất nhiều. Cho nên lượng khách đến đấy mỗi ngày rất đông, các bạn nên đi ngày thường, còn đi cuối tuần sẽ phải chen chúc rất mệt.
|
7. Kinh nghiệm ăn uống du lịch Thượng Hải
Người Trung Quốc có câu “đông chua, tây cay, nam ngọt, bắc mặn” và ẩm thực Thượng Hải thuộc vào nhóm “nam ngọt”. Vì lẽ đó mà những món ăn tại đây thường ít dầu mỡ, tươi ngon và có hương vị ngọt thanh rất đặc trưng.
Hơn nữa, quá trình nấu nướng, từ khâu chọn lựa nguyên liệu cho đến trình bày món ăn rất được xem trọng. Chẳng trách gì mà các món ăn tại đây được ví như những mỹ nữ.
Du lịch đến Thượng Hải, các bạn nhớ thử các món ăn đặc trưng sau: tôm nõn long tĩnh, bánh bao canh, cua lông, malatang…
Nếu còn chưa biết ăn món gì ở đâu, các bạn có thể tham khảo bài viết review “10 món ăn ngon ở Thượng Hải” sau nhé.
8. Lịch trình du lịch Thượng Hải
8.1. Lịch trình du lịch Thượng Hải tham khảo
Các bạn nên dành từ 4 ngày trở lên để du lịch Thượng Hải. Trong chuyến du lịch Trung Quốc, mình đi ba điểm Thượng Hải – Bắc Kinh – Tô Châu, trong đó Thượng Hải là điểm trung chuyển chính. Nên mình dành thêm 2 ngày ở Tô Châu và 3 ngày ở Bắc Kinh nữa.
Lịch trình sau đây là các ngày mình ở Thượng Hải, các bạn có thể xếp xen kẽ Tô Châu và Bắc Kinh vào lịch trình dưới nhé.
NGÀY 1: Bay đến Thượng Hải – Phố đi bộ Nam Kinh – Bến Thượng Hải
Mình bay đến Thượng Hải lúc 14:15, sau đó làm thủ tục xong xuôi về khách sạn cũng đã hơn 5 giờ rồi. Nên là ăn xong chỉ có thể thăm quan Phố đi bộ Nam Kinh, sau đó đi ra khu vực Bến Thượng Hải ngắm cảnh buổi đêm.
NGÀY 2: Tân Thiên Địa – Kikyo Space – Bến Thượng Hải
Ngày tiếp theo ở Thượng Hải, bọn mình thăm quan Tân Thiên Địa và Kikyo Space (một khu bảo tàng chụp ảnh sống ảo). Sau đó tối lại ra Bến Thượng Hải tiếp, vì hôm trước chơi chưa có đã.
NGÀY 3: Phim trường Thượng Hải – Shanghai Tower – Miếu Hoàng Thành
Do Phim trường Thượng Hải cách khá xa trung tâm, nên mình dành nửa ngày tại đây. Tầm 3 giờ chiều đi về ra Shanghai Tower để ngắm toàn cảnh thành phố. Tối ra khu vực Miếu Hoàng Thành ăn uống thăm quan.
NGÀY 4: Bảo tàng Bảo Long – Bảo tàng Ánh sáng – Lục Gia Chủy – Flair Rooftop
Ngày cuối cùng ở Thượng Hải, dành cho các hoạt động chup ảnh, ăn uống mua sắm.
NGÀY 5: Ra sân bay về lại Hà Nội
8.2. Bản đồ du lịch Thượng Hải
Mình có tạo một bản đồ đánh dấu các địa điểm du lịch, khu vui chơi và các quán ăn ở Thượng Hải. Lưu ý là bản đồ này không có hết các điểm mình đã đi, do một số địa điểm ở Trung Quốc không hiển thị trên Google Maps.
9. Chi phí du lịch Thượng Hải tự túc
Nhìn chung chi phí du lịch Thượng Hải tự túc tương đối đắt đỏ, nhất là vé máy bay và khách sạn. Tuy nhiên thì chi phí ăn uống và di chuyển trong thành phố lại khá rẻ. Để tiết kiệm chi phí, các bạn nên săn vé máy bay giá rẻ và đặt phòng khách sạn sớm.
Sau đây là bảng tổng hợp chi phí du lịch Thượng Hải tự túc của mình, các bạn có thể tham khảo nhé:
DI CHUYỂN | ||
1. Vé máy bay Hà Nội–Thượng Hải (khứ hồi) | 2,265 ¥ | * Giá thay đổi theo thời điểm |
2. Vé Maglev | 50 ¥ | |
3. Di chuyển 5 ngày | 219 ¥ | * Bao gồm đi tàu điện ngầm và taxi |
4. Taxi ra sân bay | 220 ¥ | |
LƯU TRÚ | ||
5. 2 đêm Holland Hotel | 426 ¥ | |
6. 3 đêm Baron Business Hotel | 1041 ¥ | |
THAM QUAN | ||
7. Phim trường Thượng Hải | 80¥ | *Mua tại quầy hoặc đặt trước tại đây |
8. Kikyo Space | 99¥ | |
9. Bảo tàng Ánh sáng | 79¥ | |
10. Bảo tàng Bảo Long | 50¥ | |
11. Đài quan sát Shanghai Tower | 180¥ | * Mua tại quầy hoặc đặt trước tại đây |
MUA SẮM | ||
12. Mua đồ lưu niệm | 30¥ | |
13. Mua sim | 200¥ | |
ĂN UỐNG | ||
14. Tiền ăn 5 ngày | 500¥ | |
TỔNG | 5439 ¥ | 18,419,000 VND |
10. Tổng kết: Kinh nghiệm du lịch Thượng Hải tự túc
10.1. Tips du lịch Thượng Hải Trung Quốc
– Mình đổi tiền nhân dân tệ ở phố Hà Trung, Hà Nội. Khi đổi tiền các anh nhân viên cũng khuyên mình tờ 100¥ rất hay bị làm giả, nên các bạn cần lưu ý tờ này nhé.
– Mang theo hộ chiếu bên người vì bạn sẽ bị kiểm tra bất kể lúc nào ở ngoài đường (thường thì cảnh sát sẽ không làm gắt quá vụ này đâu, các bạn có thể đưa ảnh hộ chiếu lưu trong điện thoại cho người ta kiểm tra cũng được).
– Là một thành phố lớn nhưng người dân Thượng Hải chỉ sử dụng tiếng Trung, nói tiếng Anh còn gạt đi luôn nhé. Nếu đi du lịch Thượng Hải tự túc các bạn nên chuẩn bị trước một số câu tiếng Trung thông dụng để tiện giao tiếp. Chi tiết có thể tham khảo bài viết sau.
– Khi đi du lịch Trung Quốc tự túc nói chung và du lịch Thượng Hải nói riêng, các bạn nên cài sẵn một số các ứng dụng cần thiết để hỗ trợ trong suốt chuyến đi. Các bạn có thể tham khảo bài viết review về Các ứng dụng cần thiết khi du lịch Trung Quốc trong link sau nhé.
– Thượng Hải là một trong những thành phố cực kỳ an toàn, mình đi bộ lúc nửa đêm cũng không thấy sợ gì cả. Lý do là bởi vì rất nhiều camera an ninh được với hệ thông nhận diện khuôn mặt được lắp đặt khắp nơi trong thành phố. Ai mà có hành động gì bất thường sẽ được tìm ra ngay.
– Nếu chưa biết sắp xếp lịch trình du lịch Thượng Hải ra sao, có thể tham khảo Hop-on Hop-off Bus Tour. Tour này sẽ đi đến các điểm du lịch chính trong thành phố như Quảng Trường Nhân Dân, Chùa Phật Ngọc, Tháp Minh Châu Phương Đông… Chi tiết các bạn tham khảo link sau.
10.2. Tổng kết
Thượng Hải là thành phố gắn liền với ký ức tuổi thơ của mình. Và chuyến du lịch đến Thượng Hải đã cho mình rất nhiều cảm xúc khó tả, để khi trở về rồi vẫn còn lâng lâng trong giai điệu của bài hát “Tình sâu thẳm mưa bụi nhòa” của Triệu Vy.
Ngoài bài viết Kinh nghiệm du lịch Thượng Hải trên đây, các bạn có thể tham khảo các bài khác trong series du lịch Trung Quốc:
* Các điểm du lịch ở Thượng Hải
* Các thành phố ở Trung Quốc
- Kinh nghiệm du lịch Bắc Kinh
- Kinh nghiệm du lịch Tô Châu
- Kinh nghiệm du lịch Tử Cấm Thành
- Kinh nghiệm đi Vạn Lý Trường Thành
Nếu thấy bài viết trên đây có ích, các bạn có thể giúp mình duy trì blog bằng cách nhấn vào link dưới đây nhé:
– TỔNG HỢP WEBSITE CẦN THIẾT KHI ĐI DU LỊCH –
|